Dịch bệnh chết người bùng phát tại Tanzania Leave a comment

Giới chức Tanzania ghi nhận đợt bùng phát bệnh leptospirosis chết người, dễ bị nhầm lẫn với Ebola và một số loại bệnh khác.

Cơ quan y tế nước này đã báo cáo 20 ca nhiễm, trong đó ba trường hợp tử vong ở khu vực phía nam Lindi. Các bệnh nhân có triệu chứng tương tự nhiễm virus Ebola hoặc virus Marburg. Biểu hiện bao gồm sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chảy máu, đặc biệt từ mũi. Dựa trên kết quả xét nghiệm sơ bộ vào đầu tháng này, các chuyên gia đã loại trừ khả năng bệnh nhân nhiễm virus Ebola và Marburg, cũng như mắc Covid-19.

Đến ngày 18/7, Bộ trưởng Y tế Tanzania Ummy Mwalimu thông báo các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân dương tính leptospirosis, vi khuẩn truyền nhiễm lây lan ở cả động vật và con người.

“Các xét nghiệm cho thấy đây là một đợt bùng phát bệnh sốt nấm xoắn khuẩn, còn gọi là ‘homa ya Mgunda’ (leptospirosis). Đến nay, chưa có ca tiếp xúc gần nào biểu hiện triệu chứng bệnh”, ông Mwalimu cho biết.

Tuần trước, Bộ Y tế đã cử một nhóm chuyên gia tới vùng Lindi để điều tra về đợt bùng phát bí ẩn và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm, đồng thời truy vết tiếp xúc, xác định người có triệu chứng và kịp thời cách ly.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Tanzania cũng đang “theo dõi tình hình chặt chẽ”, làm việc với Bộ Y tế để xét nghiệm thêm và loại trừ các bệnh khác.

Bệnh leptospirosis lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ động vật sang người, chủ yếu do con người tiếp xúc với nước tiểu của động vật mắc bệnh. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết trầy xước trên da, màng nhầy của miệng, mũi và mắt. Theo WHO, rất hiếm khi bệnh lây truyền từ người sang người.





Xoắn khuẩn leptospirosis dưới kính hiển vi. Ảnh: ECDC

Xoắn khuẩn leptospirosis dưới kính hiển vi. Ảnh: ECDC

Tỷ lệ tử vong của các ca nhiễm leptospirosis nặng là khoảng 10%. Tuy nhiên, một số tài liệu cho biết con số dao động từ 5% đến 40%. Người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ tử vong cao nhất. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân qua đời do suy thận, xuất huyết mất kiểm soát hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tính.

WHO cho biết bệnh leptospirosis dễ bị bỏ qua và tương đối ít người biết. Các trường hợp rải rác trên toàn thế giới, nhưng phổ biến nhất là ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới vì lượng mưa lớn. Tổ chức nhận định đây là một căn bệnh nghiêm trọng, song có thể điều trị được. Các triệu chứng giống với một số loại bệnh không liên quan, chẳng hạn cúm, viêm màng não, viêm gan, sốt xuất huyết.

Ngày 14/7, WHO đã cảnh báo châu Phi đang đối mặt với nguy cơ bùng phát các mầm bệnh truyền từ động vật sang người. Theo một phân tích mới, số ca lây nhiễm đã tăng 63% trong một thập kỷ, kể từ năm 2012 đến năm 2022.

Từ năm 2001 đến nay, châu Phi ghi nhận hơn 1.800 đợt dịch, trong đó 30% là bệnh truyền từ động vật sang người. Con số tăng dần trong hai thập kỷ qua, song WHO lưu ý lần gia tăng mạnh nhất là vào năm 2019-2020.

Thục Linh (Theo ABC News)

Trả lời