Điều gì xảy ra khi cắt tinh hoàn? Leave a comment

Sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, nam giới có nguy cơ mất sức mạnh cơ bắp, loãng xương, giảm ham muốn tình dục, thậm chí mất khả năng sinh sản.

Cắt bỏ tinh hoàn là thủ thuật được thực hiện để loại bỏ một hoặc cả 2 tinh hoàn của nam giới. Thủ thuật này thường được thực hiện để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt lây lan. Ngoài ra, cắt bỏ tinh hoàn được chỉ định khi bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, điều trị tinh hoàn sau tuổi dậy thì, chấn thương nghiêm trọng ở tinh hoàn và ung thư vú ở nam giới. Thủ thuật này cũng thường được thực hiện khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính (SRS).

Tinh hoàn là nguồn cung cấp testosterone chính trong cơ thể, nên sau khi cắt bỏ tinh hoàn, nam giới có thể đối diện tình trạng testosterone thấp. Có một số tác dụng phụ kéo dài có thể xảy ra và thường rõ ràng hơn trong trường hợp nam giới phải cắt bỏ cả 2 tinh hoàn.

Những tác dụng phụ tiềm ẩn này bao gồm: mất sức mạnh cơ bắp, loãng xương (tình trạng mô xương trở nên mỏng manh do thay đổi nội tiết tố), mất ham muốn tình dục và không có khả năng đạt được hoặc duy trì được sự cương cứng. Người bị cắt tinh hoàn dễ bị tăng cân không kiểm soát, trầm cảm, tâm trạng sụt giảm, rối loạn cương dương, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch…

Cắt bỏ một bên tinh hoàn thường không ảnh hưởng đến mức testosterone trong cơ thể về sau, miễn là tinh hoàn còn lại khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Nhưng nếu cắt cả 2 bên tinh hoàn, cơ thể sẽ không thể sản xuất tinh trùng và nồng độ testosterone sẽ giảm xuống mức rất thấp, dẫn tới khả năng sinh sản của nam giới sẽ thấp hơn hoặc mất hoàn toàn.

Trong trường hợp cắt một bên tinh hoàn, một bên còn lại dễ bị tổn thương hơn so với bình thường. Do đó, người bị cắt tinh hoàn luôn phải thận trọng khi tham gia các môn thể thao tiếp xúc, do thi thoảng một bên tinh hoàn còn lại bị đau, dễ tổn thương.





Nam giới có thể thiếu tự tin sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Ảnh: Freepik

Nam giới dễ gặp tình trạng thiếu tự tin sau khi phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Ảnh: Freepik

Có một số thủ thuật cắt bỏ tinh hoàn khác nhau, mỗi thủ thuật tùy thuộc vào tình trạng và mục đích của người có yêu cầu phải cắt tinh hoàn.

Phẫu thuật cắt bỏ đơn giản: Trong trường hợp này, một hoặc cả 2 tinh hoàn được cắt bỏ qua một vết cắt nhỏ trên bìu. Phẫu thuật cắt bỏ đơn giản được thực hiện để điều trị ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt nếu bác sĩ muốn hạn chế lượng testosterone mà cơ thể tạo ra.

Cắt tinh hoàn bẹn triệt để: Thủ thuật này được thực hiện nếu nam giới phát hiện một khối u trong tinh hoàn và bác sĩ muốn kiểm tra mô tinh hoàn có bị ung thư hay không. Với cắt bỏ tinh hoàn bẹn triệt để, một hoặc cả hai tinh hoàn được cắt bỏ qua một vết cắt nhỏ ở phần dưới của vùng bụng thay vì bìu.

Cắt bỏ tinh hoàn dưới bao: các mô xung quanh tinh hoàn được loại bỏ khỏi bìu, giữ nguyên bìu của người phẫu thuật.

Cắt tinh hoàn hai bên: Với thủ thuật này, cả 2 tinh hoàn đều bị cắt bỏ. Thủ thuật này thường thực hiện nếu nam giới nghi ngờ bị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú hoặc đang chuyển giới từ nam sang nữ.

Thủ thuật cắt bỏ tinh hoàn khá đơn giản, thường diễn ra trong vòng 45 phút đến một tiếng. Bệnh nhân có thể về nhà sau phẫu thuật nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể mất 2-8 tuần để hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật.

Bệnh nhân nên đeo giá đỡ bìu trong 48 giờ đầu tiên sau phẫu thuật nếu được bác sĩ hoặc y tá hướng dẫn. Bệnh nhân nên chườm đá để giảm sưng ở bìu hoặc xung quanh vết mổ, rửa khu vực này nhẹ nhàng bằng xà phòng khi tắm, giữ cho vết mổ khô ráo và băng gạc trong vài ngày đầu, tránh rặn khi đi tiêu, uống nhiều nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ để giữ cho nhu động ruột đều đặn. Lưu ý không làm việc nặng trong 2 tuần sau phẫu thuật, không quan hệ tình dục cho đến khi vết mổ lành hẳn, tránh tập thể dục, thể thao và chạy nhảy trong 4 tuần sau phẫu thuật.

Anh Chi (Theo Healthline, Very Well Health)

Trả lời

1.4047