Điều trị ung thư gan bằng đốt sóng cao tần Leave a comment

Bệnh nhân có u gan ác tính, được điều trị bằng đốt sóng cao tần, 6 tháng sau khối u cháy và hoại tử, không còn dấu hiệu của tế bào ung thư.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Khánh (Trưởng khoa Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, bệnh nhân nam 60 tuổi, mắc viêm gan B lâu năm kèm xơ gan, phát hiện có u gan khi đến bệnh viện khám sức khỏe vào đầu năm nay. Bác sĩ chỉ định ông chụp thêm cộng hưởng từ, sinh thiết, xác định khối u ác tính có kích thước 14×18 mm.

Bệnh nhân được chỉ định đốt sóng cao tần (RFA) để điều trị triệt để khối u và bảo tồn tối đa chức năng gan. Sau khi gây tê, bác sĩ chọc một vết nhỏ khoảng 2 mm trên da, đưa kim đốt vào chính giữa khối u dưới dẫn đường của siêu âm. Dòng điện cao tần khi đi qua kim điện cực tạo ra nhiệt lượng để phá hủy tế bào ung thư. Cuối thủ thuật, bác sĩ rút kim ra và đốt cháy phần mô dọc theo lộ trình của kim, để đảm bảo tế bào u không di căn theo đường kim di đốt. Thủ thuật hoàn thành trong 30 phút.

Bác sĩ Khánh kiểm tra lại trên phim chụp MRI khi vừa đốt xong nhận thấy khối u bị cháy và hoại tử hoàn toàn, không tăng sinh mạch. Tháng 6/2022, bệnh nhân tái khám, khối u đã xơ hóa thành một vết sẹo nhỏ trên bề mặt gan, không còn dấu hiệu của tế bào ung thư. Theo bác sĩ Khánh, với kết quả này, bệnh nhân được coi là điều trị triệt căn ung thư gan, chỉ cần chú ý tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, kiêng rượu bia và thăm khám định kỳ bệnh nền viêm gan B, xơ gan.

Theo bác sĩ Khánh, ung thư gan giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật cắt gan, với điều kiện chức năng gan còn tốt. Tuy nhiên, chỉ khoảng 9-29% bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện bởi ung thư gan thường đi kèm xơ gan, phẫu thuật có thể khiến chức năng gan không đảm bảo, dẫn đến suy gan. Hiện nay, người bệnh ung thư gan có thêm lựa chọn điều trị mới là đốt sóng cao tần. Phương pháp này sử dụng nhiệt để phá hủy các tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến tế bào gan lành. Do đó, người bệnh được bảo tồn tối đa chức năng gan, hạn chế nguy cơ suy gan, nhiễm trùng, chảy máu. Kỹ thuật không cần gây mê, ít xâm lấn nên người bệnh sau 1-1,5 giờ nghỉ ngơi là có thể xuất viện.

“Khoảng 90% các khối u gan nhỏ dưới 3 cm được điều trị thành công bằng đốt sóng cao tần. Hiệu quả kéo dài tiên lượng sống trên 5 năm của người bệnh dùng phương pháp này là khoảng 68%, tương đương với phẫu thuật cắt gan”, bác sĩ Khánh nói.

Hiệp hội Nghiên cứu về Gan của châu Âu (EASL) đã khuyến nghị sử dụng đốt sóng cao tần để điều trị ung thư gan giai đoạn sớm, trong trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật hoặc không muốn phẫu thuật. Đối với ung thư giai đoạn tiến triển, bác sĩ có thể kết hợp đốt sóng cao tần với các phương pháp kinh điển khác như hóa trị, xạ trị, nút mạch để đạt hiệu quả tối ưu.

Theo bác sĩ Khánh, thách thức lớn nhất khi đốt sóng cao tần u gan và các khối u phổi, thận nói chung là kiểm soát vị trí kim đốt và nhiệt lượng tỏa ra, sao cho vừa đủ tiêu diệt khối u mà không làm tổn thương các tạng lành. Do đó, bác sĩ cần đào tạo chuyên sâu nhiều năm về can thiệp điện quang, thiết bị siêu âm có độ phân giải rõ nét, giúp dẫn đường chính xác. Ở giai đoạn rút kim đốt ra khỏi cơ thể, bác sĩ cần xử lý cẩn trọng để không làm lây lan tế bào ung thư trên đường di chuyển của kim. Các báo cáo trên thế giới ghi nhận số lượng ca biến chứng sau khi đốt sóng cao tần rất hiếm gặp, có thể kiểm soát được nếu chỉ định đúng bệnh nhân và kỹ thuật chính xác.





BS.CKII Lê Văn Khánh (bên trái) thực hiện một ca can thiệp ung thư gan. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

BS.CKII Lê Văn Khánh (bên trái) thực hiện một ca can thiệp ung thư gan. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Khánh dẫn một số số liệu cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 20% dân số bị viêm gan B, trong đó, trên 80% bệnh nhân bị ung thư gan tiến triển từ viêm gan B và 5% trên nền viêm gan C. Ngay cả những người có nhiễm virus viêm gan B khi theo dõi sạch virus tự nhiên vẫn có nguy cơ ung thư gan với tỷ lệ là 0,55% mỗi năm. Nam giới có nguy cơ ung thư gan nhiều hơn nữ, một phần do sử dụng rượu bia thường xuyên.

Phòng ngừa biến chứng ở bệnh nhân viêm gan B mạn tính rất quan trọng. Nếu chưa có chỉ định điều trị, người bệnh cần theo dõi thường xuyên 3-6 tháng một lần bằng xét nghiệm chức năng gan AST-ALT, tải lượng virus HBV DNA và siêu âm gan. Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B mạn tính không điều trị virus mà sạch HBsAg tự nhiên vẫn cần siêu âm và xét nghiệm αFP định kỳ 6 tháng mỗi lần để phát hiện ung thư gan giai đoạn sớm.

Hoài Phạm

Trả lời

2.5219