Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phóng xạ bao lâu có thể mang thai? Leave a comment

Liệu pháp iốt phóng xạ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nên nếu đủ điều kiện sức khỏe, phụ nữ có thể mang thai sau điều trị khoảng 6 tháng.

Tôi 38 tuổi, đang điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bằng thuốc phóng xạ. Xin bác sĩ cho biết, điều trị bằng phóng xạ có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tôi có thể mang thai không? Nếu có thể, sau điều trị bằng phóng xạ bao lâu thì có thể mang thai? Thai nhi có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ không? (Mai Lê, Thái Nguyên)

Trả lời:

Điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa là phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, vét hạch cổ trong một số trường hợp và sau đó được điều trị bằng thuốc phóng xạ (Iốt 131). Thuốc phóng xạ Iốt 131 được uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Sau khi vào cơ thể, thuốc sẽ được hấp thu bởi các tế bào ung thư tuyến giáp còn sót lại để tiêu diệt nốt số tế bào này, giảm nguy cơ tái phát cho người bệnh.

Thuốc phóng xạ Iốt 131 phát ra tia bức xạ tiêu diệt tế bào u. Người bệnh sau khi uống thuốc cũng sẽ phát một liều lượng tia bức xạ nên thường được khuyến cáo cách ly với mọi người xung quanh khoảng vài ngày đến vài tuần tùy liều thuốc phóng xạ được điều trị. Sau một khoảng thời gian ngắn, thuốc phóng xạ sẽ bán rã hết. Các tác dụng phụ có thể gặp ngay sau khi điều trị iốt phóng xạ là mệt mỏi, buồn nôn, nôn, ngứa, đau bụng, đau đầu, viêm miệng… tuy nhiên sẽ nhanh chóng phục hồi.

Thuốc phóng xạ Iốt 131 phát ra tia bức xạ nên ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn), có thể gây tổn thương trứng và tinh trùng. Các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên sử dụng các biện pháp tránh thai đối với nữ ít nhất 6 tháng cho đến một năm, đối với nam giới ít nhất 4 tháng cho đến một năm. Một số bệnh nhân nữ sau khi phẫu thuật và điều trị Iốt 131 có thể bị rối loạn kinh nguyệt tạm thời và sau đó sẽ hồi phục.





BS.CKII Phạm Đức Lộc đang tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Linh Đặng

BS.CKII Phạm Đức Lộc đang tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Linh Đặng

Các nghiên cứu lâu dài và trên hàng nghìn người bệnh ung thư tuyến giáp điều trị iốt phóng xạ không cho thấy tăng tỷ lệ bất thường thai kỳ (sinh non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, nhau bong non, nhau tiền đạo…) hay tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở những người mẹ đã điều trị iốt phóng xạ nếu tuân thủ đúng nguyên tắc an toàn bức xạ.

Bạn có thể yên tâm tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa Ung bướu và Y học hạt nhân. Sau khoảng thời gian an toàn và đi khám kiểm tra lại bệnh đã ổn định (khỏi), bạn có thể mang thai và sinh con bình thường. Trong quá trình mang thai, bạn nên thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa Sản và Nội tiết để theo dõi thai và được điều chỉnh liều hormone tuyến giáp đảm bảo cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.

BS.CKII Phạm Đức Lộc
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Trả lời