Dính buồng tử cung có thể thụ tinh trong ống nghiệm? Leave a comment

Tôi đang chuẩn bị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thì phát hiện bị dính buồng tử cung. Xin hỏi bác sĩ tình trạng này có nguy hiểm? Tôi có thực hiện được IVF tiếp không?

Tôi từng phải nạo hút thai do không có tim thai, đây có phải là nguyên nhân khiến buồng tử cung bị dính. Sau phẫu thuật bao lâu thì tôi có thể thực hiện IVF và có cách nào để hạn chế tình trạng dính trở lại? Dính buồng tử cung có ảnh hưởng đến sức khỏe cả hai mẹ con sau này không? (Thoa, 28 tuổi, Hà Nội).

Trả lời:

Dính buồng tử cung là tổn thương thường gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Hiện tượng này xảy ra khi niêm mạc buồng tử cung bị mất đi khiến lớp dưới niêm mạc ở hai bên thành tử cung lộ ra, tạo nên các dải dính, ngăn chặn sự tái tạo bình thường của nội mạc tử cung sau mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Dính buồng tử cung là biến chứng hay gặp sau khi nạo, hút thai; thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật can thiệp vào buồng tử cung hoặc do lao sinh dục… Khi bị dính, diện tích buồng tử cung hẹp lại, ngăn cản sự làm tổ của phôi thai. Có khoảng 1,5-3% bệnh nhân được chẩn đoán vô sinh, hiếm muộn là do nguyên nhân này.

Tùy theo mức độ dính, bác sĩ sẽ thực hiện nong buồng tử cung tách dính hoặc phẫu thuật nội soi buồng tử cung cắt dính. Tuy nhiên, khả năng tái dính sau can thiệp vẫn khá cao, khoảng 48-70%.

Hiện, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã nghiên cứu áp dụng kỹ thuật bơm gel chống dính kết hợp liệu pháp hormone điều trị các trường hợp dính buồng tử cung. Theo thống kê, khoảng 70-80% bệnh nhân không còn dính buồng tử cung tái phát sau hai chu kỳ kể từ khi thực hiện phương pháp này. Tỷ lệ có thai sau phẫu thuật đạt 50-60%. Bệnh nhân có khả năng mang thai tự nhiên sau khi điều trị tách dính buồng tử cung nếu sức khỏe sinh sản của hai vợ chồng bình thường.

Trường hợp của bạn, nên tới bệnh viện hay cơ sở y tế uy tín về sản phụ khoa cũng như vô sinh hiếm muộn sớm để được chẩn đoán và kịp thời điều trị. Khoảng hai chu kỳ sau khi thực hiện tách dính buồng tử cung và bơm gel chống dính kết hợp liệu pháp hormone, bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá lại tình trạng sức khỏe sinh sản của bạn. Nếu đủ điều kiện, bạn có thể tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Chúc bạn gặp nhiều may mắn và sớm đón con yêu!

Bác sĩ Trịnh Thị Thúy
Chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Trả lời