Bổ sung đủ dinh dưỡng giai đoạn từ bào thai đến 2 tuổi quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Thị Kim Liên – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, 1.000 ngày vàng đầu đời của trẻ được chia ra thành 3 giai đoạn bao gồm: 280 ngày trong thai kỳ, 180 ngày đầu sau sinh (trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn), 540 ngày ăn dặm bổ sung (sau 6 tháng đến khi tròn 2 tuổi). Đây là giai đoạn “vàng” phát triển chiều cao, thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
Theo đó, bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, hệ thống xương của bé được hình thành, phát triển nhanh chóng. Nếu mẹ có chế độ dinh dưỡng tốt, trong suốt 9 tháng thai kỳ, bé sinh ra sẽ có chiều cao (chiều dài) đạt chuẩn là trên 50 cm (tương ứng cân nặng lúc sinh khoảng 3 kg). Ở giai đoạn còn lại của 1000 ngày vàng sau sinh, trẻ có thể tăng 25 cm trong năm đầu tiên và tăng 10 cm trong năm tiếp theo, quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.
“Dù trẻ đang ở giai đoạn nào của 1.000 ngày ‘vàng’, không bao giờ là muộn để bắt đầu xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển tốt nhất về thể trạng, sức khỏe”, bác sĩ Kim Liên cho biết.
Trẻ bị suy dinh dưỡng trong 1.000 ngày vàng sẽ dễ đối mặt với nguy cơ thấp còi, nhẹ cân, chậm phát triển, ảnh hưởng lớn đến tầm vóc sau này. Nếu tình trạng suy dinh dưỡng này kéo dài suốt quá trình phát triển của trẻ thì đến tuổi dậy thì, bé sẽ càng bị suy dinh dưỡng nặng, thấp còi hơn.
Bác sĩ Kim Liên khuyến cáo, để trẻ phát triển tối ưu trong 1.000 ngày đầu đời, phụ huynh cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học từ giai đoạn trong bào thai đến khi trẻ được 2 tuổi. Cụ thể:
Giai đoạn thai kỳ: từ khi thụ thai, lớn lên dần trong bụng mẹ, bé hấp thụ dinh dưỡng hằng ngày từ khẩu phần ăn uống, bổ sung các khoáng chất, vitamin của mẹ. Mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ thông qua những bữa ăn đa dạng thịt, cá, trứng, tôm, cua, các vi chất, chất xơ (rau, củ, quả)…
Nếu mẹ ăn uống chủ quan, lơ là, kiêng khem, không đủ chất, hoặc ăn thực phẩm dinh dưỡng kém, trẻ sinh ra sẽ thiếu đa vi chất, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, chậm phát triển… Với những mẹ bị nghén nhiều, kém ăn, lên cân dự kiến khó đạt 10- 12 kg/9 tháng mang thai, cần tư vấn bác sĩ để được bổ sung thêm sữa, các vitamin, khoáng chất cần thiết như vitamin B, C, canxi, sắt, kẽm, vitamin A (liều thấp dưới 5.000 UI/ngày).
Giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời: theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, không thêm bất cứ dưỡng chất nào từ bên ngoài vào, kể cả nước, đồng thời nên duy trì cho con bú đến khi trẻ tròn 24 tháng tuổi. Dinh dưỡng của người mẹ trong giai đoạn này quan trọng, quyết định sức khỏe của con thông qua nguồn sữa mẹ. Do đó, mẹ cần ăn uống đầy đủ các dưỡng chất để tăng cường sức khỏe cho mẹ và bé. Ngoài 3 bữa ăn chính, mẹ cần ăn thêm 2 bữa bổ sung. Năng lượng của mẹ sau sinh cần thêm 550 kcal/ngày (2.470-2.704 kcal/ngày).
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho bé, tuy nhiên, nếu mẹ không có đủ sữa thì cần đi khám để được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn uống, cách thức massage, các cữ bú… để có nguồn sữa tốt nhất. Để có nguồn sữa tốt, mẹ có thể uống thêm sữa tối thiểu 600 ml mỗi ngày và ăn đủ chất (thịt các loại, trứng, tôm, cua, cá, rau quả).
Giai đoạn trẻ tập ăn dặm bổ sung (6 tháng – 2 tuổi): lúc này sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, do đó, trẻ cần được bổ sung chất dinh dưỡng để ăn dặm. Thành phần bữa ăn cho bé từ ăn dặm bột rồi đến cháo, súp từ lỏng đến đặc dần (gạo, khoai tây…), đạm động vật, các vi chất (trứng, thịt, tôm, cua, cá, các loại rau củ quả…), dầu mỡ từ 2,5 ml mỗi bữa khi bắt đầu tập ăn đến 5ml mỗi bữa sau vài tuần và 10 ml/bữa khi gần 1 tuổi; rau củ 1-2 thìa/bữa, bên cạnh đó bé cần được tiếp tục bú mẹ, uống nước đủ.
Cha mẹ nên cho trẻ làm quen với các loại rau củ thông thường như khoai tây, cà rốt, rau lang, rau dền, bí đỏ, củ cải đường… và nên cho trẻ tập làm quen với rau trước rồi đến củ quả vì các loại củ quả thường ngọt sẽ khiến bé không còn hứng thú với các loại rau.
Từ 1-2 tuổi là giai đoạn nhu cầu calories của trẻ tăng cao hơn. Trẻ vẫn bú sữa mẹ, sữa công thức, kết hợp với chế độ ăn dặm, tuy nhiên chế độ dinh dưỡng trong độ tuổi này so với trẻ dưới 1 tuổi là khác nhau. Trẻ từ 1 tuổi có thể uống sữa toàn phần (gồm cả bơ và chất béo), vì lúc này cơ thể cần thêm calories từ chất béo, giúp trẻ tăng trưởng, phát triển toàn diện. Mỗi ngày trẻ uống 4 cữ sữa, mỗi cữ khoảng 120 ml.
Trong giai đoạn này, ngoài uống sữa, trẻ cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất quan trọng là: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Mẹ nên bổ sung thêm nước trái cây tươi với liều lượng khoảng 150 ml/ngày, khuyến khích bé uống thêm nước lọc.
Mẹ cần lưu ý thêm, nhu cầu năng lượng của trẻ còn phụ thuộc vào cân nặng, hoạt động của trẻ. Trung bình trẻ từ 1-2 tuổi cần 1.000-1.200 kcal/ngày (100 kcal/kg cân nặng). Nếu trẻ vận động nhiều thì mẹ có thể cho bé ăn thêm các bữa ăn nhẹ bên cạnh bữa chính trong ngày. Trẻ nên ăn từ 4-6 bữa mỗi ngày.
“Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời rất quan trọng đến sự phát triển của trẻ trong suốt cuộc đời. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này, trẻ sẽ bị thiệt thòi rất nhiều trong tốc độ tăng trưởng đặc biệt là chiều cao. Phụ huynh nên cho trẻ đi khám để được các chuyên gia tư vấn chế độ ăn cụ thể, phù hợp với thể trạng, sức khỏe và sở thích của từng em”, bác sĩ Liên cho biết.
Bình An