Đột quỵ do nhiệt khi nắng nóng Leave a comment

Nhiệt độ cơ thể từ 40 độ C và không thể tự hạ nhiệt có thể dẫn đến đột quỵ, khiến não tổn thương, suy nội tạng và cần cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Joshua Scott (Viện Cedars-Sinai Kerlin-Jobe) chia sẻ trên tờ Insider (Mỹ), đột quỵ do nhiệt là trường hợp cần cấp cứu. Đột quỵ nhiệt giống như một cơn đau tim và phải điều trị ngay lập tức.

Trước khi bị say nóng, bạn sẽ cảm thấy các triệu chứng kiệt sức vì nóng như đổ mồ hôi nhiều, mạch nhanh. Những triệu chứng này thường xảy ra khi bạn ở ngoài trời, làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao. Nếu tình trạng kiệt sức vì nóng tăng lên thành đột quỵ do nhiệt thì có các dấu hiệu cảnh báo như sau:

Lú lẫn hoặc nói lắp: khi nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, các protein trong não có thể bị phá vỡ, gây ra những thay đổi về tinh thần. Theo bác sĩ Scott nói, người bị đột quỵ sẽ rất bối rối và không thể tiếp tục cuộc trò chuyện bình thường.

Mất ý thức: ngất xỉu có thể là dấu hiệu của kiệt sức vì nhiệt nhưng bạn có thể đánh thức người bị kiệt sức vì nhiệt khá dễ dàng. Nếu họ bất tỉnh và không thể tỉnh lại vì nóng và nhiệt độ cơ thể tăng cao có thể là đột quỵ do nhiệt.

Nhịp tim nhanh và khó thở: nhiệt độ cao gây căng thẳng cho tất cả các chức năng cơ thể và khiến tim đập nhanh kèm theo khó thở, thở nông hoặc thở nhanh.

Da ửng đỏ: da có thể đỏ lên khi cơ thể nóng lên.

Sơ cứu và điều trị

Nếu kiệt sức do nhiệt có thể điều trị tại nhà bằng cách hạ nhiệt thì đột quỵ do nhiệt cần cấp cứu càng sớm càng tốt. Bởi vì nó có thể gây tổn thương não, suy nội tạng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Scott, nếu bạn nghi ngờ một người bị đột quỵ do nhiệt thì nhanh chóng gọi điện cấp cứu. Trong khi đó, bạn cố gắng hạ nhiệt cho họ để làm chậm quá trình phá hủy các cơ quan. Bạn có thể cho người đó vào bồn tắm để làm mát hoặc xịt nước vào người, đặt họ trước quạt. Đặt khăn mát hoặc túi đá lên cổ, nách và bẹn cũng là việc nên làm.

Tại bệnh viện, người bị đột quỵ do nhiệt có thể được tiêm tĩnh mạch để điều trị tình trạng mất nước. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể phải kiểm soát tình trạng suy đa hệ thống cơ quan.





Uống đủ nước, làm mát cơ thể khi nhiệt độ cao phòng tránh đột quỵ do nhiệt. Ảnh: Freepik

Uống đủ nước, làm mát cơ thể khi nhiệt độ cao phòng tránh đôt quỵ do nhiệt. Ảnh: Freepik

Để ngăn ngừa các bệnh liên quan đến nắng nóng, tốt nhất bạn nên hạn chế các hoạt động thể chất kéo dài vào những thời điểm nóng nhất trong ngày từ 15h đến 16h30 chiều. Nếu bạn phải ở ngoài trời thì nên uống đủ nước và nghỉ ngơi thường xuyên. Khi nhận thấy các triệu chứng kiệt sức vì nóng như đổ mồ hôi nhiều, mạch nhanh, mệt mỏi, buồn nôn, choáng váng, yếu ớt; bạn nên hạ nhiệt. Bạn có thể di chuyển đến một khu vực có bóng râm hoặc đi vào trong nhà; cởi bỏ quần áo bó sát hoặc không cần thiết; tắm nước mát; uống nước; đặt khăn ướt, lạnh lên đầu, cổ và nách.

Những người có nguy cơ cao đột quỵ do nhiệt là trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn tuổi trên 65. Cơ thể của trẻ có thể nóng lên nhanh hơn người lớn từ 3-5 lần. Do đó, phụ huynh nên theo dõi các dấu hiệu kiệt sức do nhiệt ở trẻ em. Vào mùa hè, bên trong ô tô có thể nóng lên 6 độ C chỉ trong 10 phút. Cha mẹ không nên để con trong một chiếc xe hơi nóng vào bất kỳ thời gian nào.

Kim Uyên
(Theo Insider)

Trả lời