Dùng trực thăng vận chuyển quân nhân Trường Sa nguy kịch về đất liền Leave a comment

Nam quân nhân 50 tuổi ở Trường Sa, bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, biến chứng sốc, tổn thương đa cơ quan, được đưa vào bệnh xá đảo Nam Yết cấp cứu.

Ban đầu bệnh nhân đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, mệt, khó thở. Sau đó tình trạng diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân suy tuần hoàn, mạch chậm còn 32 lần một phút, huyết áp tụt thấp 80/50 mmHg, hình ảnh điện tim cho thấy block nhĩ thất độ ba (rối loạn nhịp chậm nặng).

Các y bác sĩ bệnh xá đảo Nam Yết hội chẩn với đồng nghiệp Bệnh viện Quân y 103 ở đất liền, chẩn đoán bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, biến chứng viêm cơ tim, rối loạn nhịp nguy hiểm, tiên lượng rất nặng. Tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 mang theo trang bị cấp cứu, được máy bay trực thăng đưa ra Trường Sa chiều 16/5. Trung úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch, kíp trưởng cấp cứu, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời qua da cho bệnh nhân, sử dụng thuốc vận mạch, kiểm soát huyết áp, sau đó đưa người bệnh về TP HCM điều trị.

Tối 16/5, thời tiết xấu, mưa to, gió lớn, trực thăng không hạ cánh được ở bãi đáp trên nóc tòa nhà Bệnh viện Quân y 175 nên phải chuyển hướng sang sân bay Tân Sơn Nhất. Người bệnh được chuyển tiếp bằng xe cứu thương đến bệnh viện.





Bệnh nhân được điều trị tích cực ngay khi nhập viện. Ảnh: Bệnh viện Quân y 175

Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu bệnh nhân khi đưa từ Trường Sa về TP HCM, tối 16/5. Ảnh: Bệnh viện Quân y 175

Tại đây, bệnh nhân được hội chẩn cấp cứu, chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa cơ quan như viêm cơ tim – rối loạn nhịp nặng, tổn thương thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu – đông máu rải rác nội mạch. Người bệnh phải đặt nội khí quản thở máy, duy trì máy tạo nhịp, thuốc vận mạch, corticoid, lọc máu liên tục, thay huyết tương.

Đến chiều 17/5, tình trạng bệnh nhân khá dần, giảm liều thuốc vận mạch, nhịp tim gần trở về bình thường, huyết áp ổn định. Tình trạng suy gan, tổn thương thận còn nặng nhưng xu hướng cải thiện hơn so với hôm qua. Ngoài hồi sức cơ bản, bệnh nhân vẫn cần tiếp tục lọc máu, thay huyết tương.

“Tiên lượng bệnh nhân còn rất nặng”, thiếu tá, bác sĩ Dương Quốc Khánh, khoa Hồi sức cấp cứu, nói.

Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống, do đó tiếp tục tiến hành cấy máu, cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh.

Những năm gần đây nhiều quân nhân, người dân… sinh sống và làm việc tại quần đảo Trường Sa gặp vấn đề sức khỏe được trực thăng vận chuyển về đất liền điều trị, thay vì điều trị tại chỗ hoặc chuyển bằng tàu thủy.

Bệnh viện Quân y 175 đã xây dựng một bãi đáp trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, khánh thành cuối năm 2020, nhằm rút ngắn tối đa thời gian vận chuyển người bệnh, tăng cơ hội cứu sống kịp thời những bệnh nhân cần can thiệp khẩn. Ngoài ra, các chuyến bay cấp cứu vẫn có thể xuất phát và hạ cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất như trước kia.

Thư Anh

Trả lời