Đường huyết tăng cao gây mệt mỏi kéo dài Leave a comment

Lượng đường trong máu tăng do mất cân bằng đường huyết, insulin hoạt động kém hiệu quả khiến người bệnh tiểu đường thường xuyên mệt mỏi.

Người bệnh tiểu đường tuýp một và tuýp hai thường có các triệu chứng đi kèm với lượng đường trong máu cao như thường xuyên khát nước, đi tiểu, đói, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi… Tuy nhiên, những người có nguy cơ hoặc mắc bệnh tiền tiểu đường có thể khó phân biệt khi đường huyết cao với các bệnh lý khác vì một số triệu chứng không đặc hiệu. Một trong những triệu chứng không đặc hiệu là mệt mỏi.

Khi lượng đường trong máu tăng đột biến, cơ thể sẽ cố gắng tạo ra đủ insulin (hormone có nhiệm vụ điều chỉnh lượng đường trong máu) để cân bằng. Nếu không có đủ insulin hoặc cơ thể không phản ứng với insulin như bình thường thì cơ thể sẽ lấy chất béo để tạo ra năng lượng cần thiết. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi dù đã ngủ ngon, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên.

Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài hơn hai tuần thì bạn nên thăm khám. Với người bệnh tiểu đường, những triệu chứng này cho thấy kế hoạch điều trị hiện tại không còn hiệu quả. Kiểm soát mệt mỏi do bệnh tiểu đường rất quan trọng đối với người bệnh tiểu đường tuýp một và tuýp hai. Cách tốt nhất để quản lý các triệu chứng hoặc biến chứng của bệnh là thăm khám bác sĩ. Bác sĩ có thể thay đổi kế hoạch điều trị, chế độ ăn uống, khuyến khích tập thể dục nhiều hơn, giảm căng thẳng, tạo giấc ngủ ngon…





Người bệnh tiểu đường thường xuyên mệt mỏi dù đã ngủ ngon. Ảnh: Freepik

Người bệnh tiểu đường thường xuyên mệt mỏi dù đã ngủ ngon. Ảnh: Freepik

Cách xác định tăng đường huyết

Mệt mỏi có liên quan đến nhiều các tình trạng khác. Chỉ riêng triệu chứng mệt mỏi không thể cho bạn biết có đang bị tăng đột biến đường huyết hay không. Những người bệnh được khuyến khích theo đo đường huyết hàng ngày để phát hiện lượng đường trong máu thay đổi đột ngột.

Theo Very Well Health, nguyên nhân phổ biến nhất của tăng đường huyết là sản xuất insulin không đúng cách. Nếu nó không được sản xuất ở mức đủ có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao. Có một số lý do khiến lượng insulin trong cơ thể không đủ như ăn quá nhiều, không tập thể dục, bị căng thẳng kinh niên, không nhận đủ insulin từ việc điều trị, insulin không hoạt động hiệu quả… Các yếu tố nguy cơ khác cần được xem xét như cân nặng, tuổi tác, tiền sử hút thuốc, mức cholesterol và mức huyết áp.

Đối với một người không mắc bệnh tiểu đường, mức insulin hầu như không được xem xét. Do đó, nếu bạn ghi nhật ký thực phẩm và mức độ mệt mỏi hoặc các triệu chứng khác sau mỗi bữa ăn có thể hữu ích. Vì tình trạng mệt mỏi thường xuất hiện sau khi ăn có thể là dấu hiệu của đường huyết tăng. Bạn nên thăm khám bác sĩ và kiểm tra lượng đường trong máu sớm.

Cách ngăn ngừa tăng đột biến đường huyết

Một số gợi ý giúp tránh được những đợt tăng đột biến đường huyết gây mệt mỏi như sau:

Chế độ ăn uống cân bằng: Cân bằng các chất dinh dưỡng đa lượng như chất bột đường, chất béo và chất đạm có thể tránh được sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu. Chất lượng và số lượng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể phân hủy thức ăn và insulin phản ứng tốt. Thực phẩm được tiêu hóa chậm nên chọn như các loại đậu, quả hạch, trái cây tươi và các sản phẩm từ sữa. Chúng giúp cho lượng đường trong máu tăng chậm và ổn định hơn.

Chuyển đổi carbs đơn giản thành carbs phức tạp: Ăn các loại carbs tinh chế như bánh mì trắng, đường, ngũ cốc đều có thể dẫn đến tăng đột biến đường huyết vì chúng được tiêu hóa nhanh chóng. Bằng cách chọn các loại carb phức tạp (trái cây, rau củ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám…), bạn có thể tránh được lượng đường trong máu tăng cao.

Bổ sung vitamin và khoáng chất: Các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần cũng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, nhất là magiê và crom. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kết hợp magiê với crom có thể cải thiện tình trạng kháng insulin và do đó giúp giảm đột biến lượng đường trong máu.

Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục đã được chứng minh có thể giữ lượng đường trong máu ở mức kiểm soát nếu thực hiện thường xuyên. Bài tập cường độ cao và cường độ trung bình đều có thể mang đến kết quả. Các bác sĩ nội tiết thường khuyên mọi người nên tập thể dục thường xuyên mỗi ngày hoặc ít nhất 3 lần mỗi tuần.

Thư giãn: Căng thẳng có thể tác động đến lượng đường trong máu. Để tránh căng thẳng tăng cao, bạn có thể thực hành các kỹ thuật quản lý như thiền, yoga, viết nhật ký…

Kim Uyên
(Theo Very Well Health)

Trả lời