Gan yếu hơn sau khỏi Covid Leave a comment

Giai đoạn hậu Covid-19, lá gan vẫn bị tổn thương bởi tàn dư sự tấn công trực tiếp của nCoV lên tế bào gan, cơn bão cytokine và các loại thuốc điều trị Covid trước đó.

Theo thống kê của Trung tâm phẫu thuật gan, Bệnh viện Tây Trung Quốc thuộc Đại học Tứ Xuyên, Thành Đô, bệnh nhân Covid-19 gặp bất thường chức năng gan ở các mức độ khác nhau. Tỷ lệ tổn thương gan ở các trường hợp F0 nặng là hơn 74%, ở bệnh nhân nhẹ là 43%.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế lây lan của nCoV. Virus sử dụng các protein gai trên bề mặt của chúng để gắn vào các thụ thể ACE 2 trên màng tế bào của các cơ quan, từ đó virus có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Trong đó, biểu hiện của ACE 2 trong tế bào gan là 2,6% và trong tế bào mật là 59,7%. Virus gây tổn thương gan bằng cách tấn công trực tiếp lên tế bào gan.





Chỉ số men gan (AST và ALT) tăng cao ở nhóm người bị Covid-19 nặng so với nhóm bị nhẹ. Nguồn hình: Virology Journal, Việt hóa: Khoa Phạm

Chỉ số men gan (AST và ALT) tăng cao ở nhóm người bị Covid-19 nặng so với nhóm bị nhẹ. Ảnh: Virology Journal – Khoa Phạm

Tổn thương gan hậu Covid có thể còn do rối loạn hệ miễn dịch (bão cytokine), thiếu máu cục bộ và giảm oxy, tình trạng huyết khối, tình trạng gan đang bị bệnh (viêm gan virus B, viêm gan virus C…), bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết.

Đặc biệt, việc sử dụng các thuốc trong quá trình điều trị Covid có thể gây ra những tác động nặng nề cho lá gan, cơ quan thải độc chính của cơ thể. Loại thuốc được dùng nhiều nhất trong quá trình điều trị triệu chứng Covid-19 là thuốc giảm đau, hạ sốt, tiêu biểu là paracetamol. Các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân chỉ nên uống không quá 3 g mỗi ngày, mỗi lần một viên 500 mg và cách nhau 4-6 tiếng. Tuy nhiên, do là thuốc không kê đơn và tình trạng cơ thể bị sốt, đau đầu kéo dài, nhiều người đã tự ý sử dụng quá nhiều paracetamol khiến cho lá gan càng bị quá tải.

“Kể cả tuân thủ đúng liều lượng nhưng sau liệu trình dùng thuốc kéo dài vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới gan, bởi mọi thứ nạp vào cơ thể đều được xử lý thải độc qua gan”, bác sĩ Khanh nói. Đây cũng là lý do nhiều bệnh nhân gặp các triệu chứng chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi kéo dài, thậm chí là cảm thấy đau ở khoang bụng vị trí của lá gan sau khi khỏi Covid-19.





4 vấn đề chính gây tổn thương gan khi mắc Covid-19. Ảnh: Virology Journal, Việt hóa: Khoa Phạm

Bốn tác động gây tổn thương gan khi mắc Covid-19. Ảnh: Virology Journal – Khoa Phạm

Theo bác sĩ Khanh, để gan sớm phục hồi và luôn khỏe thì không nên làm cho gan phải hoạt động quá sức, tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi. Cụ thể, về dinh dưỡng, nên đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất, hạn chế chất béo, đường, tăng cường rau xanh, trái cây và uống đủ nước. Về nhóm chất béo, nên ưu tiên các thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa (trái bơ, dầu thực vật, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều…) thay vì các chất béo bão hòa (mỡ và thịt động vật, các loại bơ, sữa…)

Sau khi mắc Covid, gan và hệ tiêu hóa chưa hồi phục hoàn toàn nên hạn chế các thực phẩm chế biến theo kiểu nướng, chiên, đồ ăn cay nóng, đặc biệt là các đồ uống có chứa nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, không thức khuya, tập thể dục đều đặn cũng là cách để giúp lá gan khỏe mạnh. Đặc biệt không nên sử dụng các thuốc khi không thật sự cần thiết, không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc và thành phần để bồi bổ cơ thể hay giảm cân.

Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên kiểm tra sức khỏe gan mật định kỳ mỗi 6 tháng hoặc đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa.

Giang Lê

Trả lời