Gợi ý cách ăn uống lành mạnh dựa trên thông tin về gene Leave a comment

Gene có liên quan đến chuyển hóa các nhóm chất, điều chỉnh sự thèm ăn, dị ứng thực phẩm, gợi ý cho bạn cách ăn uống để kiểm soát cân nặng, phòng bệnh.

Gene có tác động lên cách cơ thể chuyển hóa, hấp thu và sử dụng các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Gene dinh dưỡng là lĩnh vực đang phát triển trên thế giới; sử dụng xét nghiệm di truyền để xác định mối tương tác giữa gene, dinh dưỡng và sức khỏe, từ đó xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với cơ thể của từng người.

Theo bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh tư vấn di truyền tại công ty Genetica, lĩnh vực gene dinh dưỡng tại Việt Nam còn khá mới mẻ nhưng hứa hẹn được ứng dụng nhiều trong cuộc sống… Nó giúp mọi người hiểu rõ hơn về bản thân, có ích cho những ai muốn chủ động trước các vấn đề sức khỏe.

Chế độ ăn uống dựa trên gene có thể kể đến như có khả năng chuyển hóa các nhóm chất, nhu cầu các loại vitamin và khoáng chất, xu hướng ăn uống theo cảm xúc, nhạy cảm với đồ ăn, thức uống. Dưới đây là một số cách mà gene ảnh hưởng đến dinh dưỡng, gợi ý bạn cách ăn uống phù hợp với cơ thể mình.

Khả năng chuyển hóa các nhóm chất

Khả năng chuyển hóa có thể gợi ý cho một người nên ăn nhiều hay ít các nhóm chất đạm, chất béo và chất bột đường. Ví dụ khả năng chuyển hóa bột đường của một người cao có nghĩa là năng lượng được tạo ra từ bột đường được cơ thể sử dụng hiệu quả và không tạo ra năng lượng dư thừa, gây tăng cân. Nhờ đó, người này dù ăn nhiều có thể tránh được các nguy cơ bệnh chuyển hóa. Còn có những người vì khả năng chuyển hóa chất bột đường kém nên chỉ cần ăn nhiều tinh bột là tăng cân. Khi biết khả năng chuyển hóa các nhóm này dựa trên gợi ý từ gene có thể giúp bạn xây dựng chế độ ăn phù hợp và phòng tránh các bệnh liên quan đến chuyển hóa như tiểu đường, tim mạch.

Bác sĩ Mỹ Hạnh ví dụ khi một người biết cơ thể chuyển hóa bột đường kém qua xét nghiệm gene, bạn có thể bổ sung các thực phẩm chứa HDL lành mạnh như dầu ô liu, các loại đậu… Nếu nồng độ enzyme amylase (sản xuất bởi tuyến tụy và tuyến nước bọt) tương đối thấp thì nên ăn chậm, nhai kỹ vì sẽ có đủ thời gian để phân nhỏ chất bột đường mà bạn vừa ăn.





Ăn nhiều tinh bột nhưng khả năng chuyển hóa kém dễ gây tăng cân. Ảnh: Shutterstock

Ăn nhiều tinh bột nhưng khả năng chuyển hóa kém dễ gây tăng cân. Ảnh: Shutterstock

Nhu cầu vitamin và khoáng chất

Ngoài đạm, béo và bột đường ra thì trong bữa ăn hàng ngày cần cung cấp đầy đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất như vitamin A, B, C, D, E, folate, sắt, canxi…. Các bác sĩ dinh dưỡng gọi thiếu hụt vitamin và khoáng chất là nạn đói tiềm ẩn vì khó có thể nhận thấy dấu hiệu thiếu hụt. Hiện nay có một số cách để biết người lớn, trẻ em thiếu vi chất như xét nghiệm vi chất dinh dưỡng với hệ thống máy móc hiện đại. Trong đó, gene cũng gợi ý cho một người biết cơ thể có nguy cơ thiếu loại vitamin hoặc khoáng chất hay không. Kết quả xét nghiệm gene cho thấy nhu cầu vitamin và khoáng chất càng thấp (ví dụ tính trên thang điểm 10) thì càng tốt.

Chẳng hạn TTR là gene mã hóa một protein vận chuyển retinol (vitamin A) trong cơ thể. TTR cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ thận đào thải vitamin A ra khỏi cơ thể. Phiên bản gene TTR cho bạn biết cơ thể có đủ nồng độ vitamin A, hỗ trợ cho hệ miễn dịch. Trong khi đó, gene NBPF3 tác động lên cách cơ thể hấp thu và sử dụng vitamin B6. Người mang phiên bản của gene này mà thường làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin B6. Người có nhu cầu vitamin B6 hàng ngày cao thì nên bổ sung vitamin B6 từ rau củ quả, trái cây, thịt cá là rất quan trọng, nếu không sẽ có nguy cơ thiếu máu hồng cầu.

Ăn uống theo cảm xúc

Gene không chỉ ảnh hưởng đến cách chúng ta chuyển hóa thức ăn mà còn ảnh hưởng đến hành vi ăn uống. Bên cạnh ăn uống khi cảm thấy đói thì nhiều người có khuynh hướng ăn uống theo cảm xúc. Khi vui hay buồn, một người có khuynh hướng ăn nhiều hơn hoặc có những người vừa ăn xong bữa chính thì lại thèm ngọt và muốn uống thêm trà sữa, khi buồn miệng muốn có thứ gì để nhai.

Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, những xu hướng này có thể có liên quan đến gene. Gene LEPR tạo ra một loại protein gọi là thụ thể leptin, chịu trách nhiệm điều chỉnh sự thèm ăn bằng cách thông báo với bộ não khi bạn no. Tương tự, có những protein khác trong cơ thể thông báo với bộ não khi đói, do đó làm tăng sự thèm ăn. Nếu xu hướng ăn uống cảm xúc từ trong hệ gene của bạn cao thì phải để ý kiểm soát.

Bác sĩ Mỹ Hạnh từng tư vấn cho rất nhiều người và giải thích lý do nguyên nhân khiến họ không giảm cân thành công là do yếu tố ăn uống theo cảm xúc. Khi ăn uống theo cảm xúc, họ thường sẽ thích ăn thực phẩm nhiều đường, nhiều béo như trà sữa, bánh ngọt, snack… Trong khi, những thực phẩm này cung cấp rất nhiều năng lượng mà nếu không có hoạt động để tiêu hao năng lượng thì việc tích trữ thành mỡ rất cao. Vì thế ăn uống theo cảm xúc cũng là yếu tố quan trọng cần được cân nhắc trong chế độ dinh dưỡng.

Nhạy cảm với đồ ăn, thức uống

Không dung nạp thực phẩm là vấn đề khó khăn trong việc tiêu hóa một số loại thực phẩm. Một số người có các biến thể di truyền trong DNA của họ dẫn đến khó tiêu hóa hoặc phá vỡ một số loại thực phẩm. Hai loại không dung nạp thực phẩm quan trọng nhất là không dung nạp gluten (gặp vấn đề khi tiêu thụ protein có trong lúa mì, lúa mạch, ngũ cốc…) và lactose (không có khả năng tiêu hóa lactose, carbohydrate trong các sản phẩm sữa).

Ví dụ bệnh celiac là một rối loạn tự miễn gây ra bởi việc tiêu thụ các thực phẩm chứa gluten theo khuynh hướng di truyền của mỗi người. Người mắc rối loạn này có đột biến trên gene thuộc hệ miễn dịch như gene HLA-DQA1. Biến đổi trên gene MCM6 cho thấy ăn nhiều sản phẩm từ sữa có thể làm hệ tiêu hóa của bạn khó chịu. Nếu bạn thích các sản phẩm từ sữa nhưng lại gặp vấn đề khi tiêu thụ chúng quá nhiều thì nên xem xét sử dụng các sản phẩm từ sữa không chứa lactose.

Kim Uyên

Trả lời

2.5071