Hàng nghìn nhân viên y tế Singapore nghỉ việc Leave a comment

SingaporeKhoảng 1.500 nhân viên y tế nghỉ việc trong nửa đầu 2021, cao gần bằng số người nghỉ việc hàng năm trước đại dịch, do lương thấp và kiệt quệ tinh thần.

Đầu năm 2021, Lisa, khi đó còn là nhân viên cấp cao tại một bệnh viện công, nhận được tin cha cô mắc Covid-19 trong làn sóng Delta tại Malaysia.

Cô muốn về nhà ngay lập tức, nhưng phản ứng của y tá trưởng với đơn nghỉ phép khiến cô bị sốc.

“Cô ấy nói rằng bệnh viện đang thiếu người. Tôi không nên ích kỷ như vậy và cần nghĩ tới các đồng nghiệp khác”, nữ y tá 30 tuổi, đã làm việc 12 năm, kể lại.

Bệnh viện chỉ thỏa hiệp khi Lisa nói cô sẽ nghỉ việc. Cô cho rằng mình “rất may mắn” khi được nghỉ phép một tháng không lương. Cuối cùng, tình trạng của cha cô xấu đi và cần vào khu hồi sức tích cực.

“Điều buồn nhất của người làm ở ngành y là bạn dành quá nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân và gia đình họ, nhưng lại bỏ bê chính gia đình mình”, Lisa chia sẻ.

Nữ y tá cho biết các đợt dịch kéo dài đã rút cạn sức lực của cô. Thời gian làm việc không ngừng nghỉ gây tổn hại về cả thể chất và tinh thần. Cô nghỉ việc tại bệnh viện vào tháng 8 năm ngoái, nhưng vẫn làm trong lĩnh vực y tế cộng đồng.

Thực tế, tại Singapore, Lisa không phải trường hợp duy nhất chọn dừng lại sau thời gian chiến đấu với đại dịch. Tháng 11, Bộ Y tế (MOH) công bố thống kê cho thấy khoảng 1.500 nhân viên y tế đã nghỉ việc trong nửa đầu 2021, cao gần bằng số người nghỉ việc hàng năm trước đại dịch.

Vì sao nghỉ việc?

Tại cuộc phỏng vấn với CNA, khoảng một nửa trong số hơn 20 y tá, bác sĩ và nhân viên y tế giấu tên cho biết họ đã bỏ việc hoặc từ chức tại các bệnh viện công, tư. Họ rời đi chủ yếu do khối lượng công việc lớn, áp lực tinh thần và mức lương không tương xứng.

James, y tá trung cấp tại một bệnh viện công, nộp đơn xin nghỉ vào tháng 1 cùng với 5 đồng nghiệp khác. Anh cho rằng số người muốn bỏ việc trong năm nay nhiều hơn so với năm ngoái. “Sau ba năm đại dịch, tôi đoán hầu như họ đã kiệt sức rồi”, anh nói.

Theo dược sĩ cao cấp Dean, đã làm việc tại một bệnh viện công 4 năm, trong 150 nhân viên cấp dưới, các kỹ thuật viên nghỉ việc nhiều nhất. Khoảng 30-40%, chủ yếu là người nước ngoài, đã rời đi kể từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, trong thời kỳ đỉnh cao của làn sóng Omicron.

“Trước Covid-19, nếu có người nghỉ việc, bệnh viện sẽ thuê thêm người nước ngoài thay thế, không ai thực sự cảm thấy tiếc nuối. Nhưng trong đại dịch, biên giới đóng cửa, việc lấp các chỗ trống không dễ dàng như vậy”, ông nói.

Sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế gần đây trở thành một chủ đề được quan tâm trên nhiều nền tảng khác nhau, từ mạng xã hội đến các nghiên cứu chính thức.

Cuối tháng 2, bài đăng Instagram của tài khoản @thehonesthealthcareworker (nhân viên y tế trải lòng) chia sẻ các nhân viên y tế đang kiệt quệ. Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe “đang trên đà sụp đổ”, điều kiện làm việc “tồi tệ hơn nhiều”, các bệnh viện không hỗ trợ nhân viên khiến họ phải rời đi. Tỷ lệ y tá trên đầu người cũng thay đổi, từ mức một y tá trên mỗi 6 dân tăng thành một y tá trên mỗi 12 người dân.

Nghiên cứu do Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Bệnh viện Tan Tock Seng và Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia công bố trong tháng 2 nêu bật tình trạng kiệt quệ về mặt thể chất và tinh thần vì không được nghỉ phép của các y bác sĩ.

Các y tá nước ngoài rời đi phần lớn vì tìm thấy cơ hội việc làm tốt hơn tại các nước khác. Theo số liệu từ Bộ Y tế, tỷ lệ thâm hụt y tá nước ngoài năm ngoái là 14,8%, gấp đôi so với y tá bản địa.





Nhân viên y tế gặp áp lực về công việc và tâm lý. Ảnh: CNA

Nhân viên y tế gặp áp lực về công việc và tâm lý. Ảnh: CNA

Bến đỗ mới sau khi nghỉ

Khi nghỉ việc ở khoa đột quỵ tại bệnh viện cũ, Lisa tới một phòng khám đa khoa. Cô coi đây là “ánh sáng mặt trời”.

“Tôi từng phải ở trong viện suốt cả ngày. Tôi không thể nhìn thấy được những điều nhỏ bé, đơn giản cho thấy hôm nay là một ngày tốt lành”, Lisa rưng rưng khi nhớ lại những kỷ niệm.

Trước đây, cô thường xuyên làm ca đêm (từ 9h tối đến 8h sáng), được ngủ bù ba ngày một lần để điều chỉnh lại đồng hồ sinh học. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, kể cả khi Covid-19 chưa bùng phát, cô không còn được nghỉ ngơi định kỳ như vậy. Lisa thường xuyên làm thêm giờ. Là một y tá cấp cao, cô giám sát 12 đến 14 bệnh nhân và quản lý các khiếu nại.

Khi làm việc tại phòng khám mới, cô được tan sở lúc 5h30 chiều. Tâm trạng của cô “tốt hơn nhiều”, cơ thể “tràn đầy sinh lực”.

Bên cạnh các phòng khám đa khoa tư nhân, y tá nghỉ việc ở bệnh viện thường lựa chọn trung tâm lọc máu, đơn vị điều dưỡng, điều dưỡng cộng đồng tại các đơn vị chăm sóc dài hạn, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.

Ba cơ quan tuyển dụng điều dưỡng tại Singapore cho biết số đơn ứng tuyển đã tăng lên. Dịch vụ điều dưỡng tại nhà Carelink ước tính mức tăng là 40% so với trước đại dịch. Theo Giám đốc Vikki Tan, lý do những cơ sở thế này được y tá lựa chọn là lịch làm việc linh hoạt, nhịp độ cân bằng, mức lương và sự công nhận cao hơn.

Tại Trung tâm Y tế Homage, y tá có thể nhận việc theo nhiều hình thức khác nhau, chăm sóc bệnh nhân tại nhà, ở bệnh viện cộng đồng hay cơ sở y tế.

Đây là những gì y tá James lựa chọn khi xin việc tại một phòng khám tư. Anh giải thích muốn có “nhiều quyền kiểm soát hơn” với công việc của mình.

“Tôi cố gắng đạt mức cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nếu cần nhiều tiền hơn, tôi sẽ nhận công việc trả cao hơn”, James nói.

Yếu tố khác khiến nhiều người lựa chọn phòng khám tư là mức lương cao. Farez, một y tá, đã rời phòng khám đa khoa hồi tháng 8 năm ngoái để đến một cơ sở lọc máu tư nhân. Anh cho biết đang kiếm được nhiều tiền với khối lượng công việc ít hơn.

“Những người đã bỏ việc không cảm thấy mức lương của họ xứng đáng với khối lượng công việc”, anh nói.

Vì sao một số người lựa chọn ở lại?

Bất chấp nhiều thách thức, một số nhân viên y tế vẫn lựa chọn gắn bó với viện đa khoa, công lập.

Trong hai năm rưỡi làm việc tại khoa ung thư của một bệnh viện công, Kelly từng trải qua những ngày tồi tệ. Song nữ y tá cho biết điều khiến cô tiếp tục là những người đồng nghiệp.

“Họ là động lực khiến tôi đi làm mỗi ngày, bởi tôi biết rằng những người làm việc cùng ca có thể hỗ trợ rất tốt, bất kể tình hình trong ngày thế nào”, cô chia sẻ.

Đôi khi, họ đi phát thuốc hộ hoặc giúp cô trả lời các cuộc gọi của bệnh nhân. Trong đại dịch, khi thiếu nhân lực, cấp trên của Kelly rời văn phòng và làm việc như một nhân viên bình thường. Họ thay quần áo, thậm chí tắm rửa cho bệnh nhân.

Đây cũng là trải nghiệm của Alex, nhân viên khoa cấp cứu tại bệnh viện công khác.

“Khi tôi không kịp điền vào mẫu đơn hoặc nói chuyện với gia đình bệnh nhân, các y tá sẽ bảo ‘Đừng lo, để tôi làm’. Những lúc y tá quá bận và không thể kiểm tra huyết áp của người bệnh, tôi lại nói ‘Để đó, tôi sẽ giúp”‘, anh kể lại. “Mọi người trong đội chung tay giải quyết vấn đề. Cảm giác đó tuyệt vời hơn nhiều so với việc bị cô lập và phải đối mặt với tất cả những điều tồi tệ”.

Trong nghiên cứu gần đây về tình trạng kiệt sức của nhân viên ngành y, nhiều người cho biết họ sẽ “được động viên và truyền cảm hứng từ lãnh đạo cũng như các đồng nghiệp”. Những động lực khác là niềm tự hào trong vai trò nhân viên y tế, sự cảm kích của cộng đồng và sự hỗ trợ trong công việc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các động lực đó chỉ có thể duy trì trong đỉnh dịch đầu tiên của Singapore. Đại dịch kéo dài gây ra sự mệt mỏi và tình trạng kiệt sức.

“Hãy tưởng tượng, bạn làm việc không ngừng nghỉ trong 5 tháng, cuối cùng được nghỉ một tuần và bị gọi đi làm tận 4 lần liền”, Kelly nói.

Thục Linh (Theo CNA)

Trả lời