Hành vi tình dục tiết lộ tổn thương tâm lý Leave a comment

Nhiều nghiên cứu cho thấy nỗi ám ảnh về tình dục, ham muốn thực hiện các hành vi ân ái không an toàn, cảm thấy không hạnh phúc sau khi sex có thể là biểu hiện của tổn thương tâm lý.

Mỗi người đối diện với chấn thương tâm lý theo cách khác nhau. Một số người không nhận ra hành vi hiện tại có liên quan đến những tổn thương trong quá khứ.

Các sang chấn về tâm lý có thể được biểu hiện qua lời nói, hành động và cả hành vi tình dục.

Nghiên cứu trên Tạp chí Affective Disorders cho thấy chứng nghiện tình dục (hypersexual) có thể là phản ứng từ tổn thương trong quá khứ, tình trạng căng thẳng, trầm cảm sau chấn thương. Ở một số người, ham muốn tình dục cao là cách để đối mặt với những sự kiện đau buồn trước đây.

“Người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) có thể thấy khó khăn khi điều chỉnh ham muốn tình dục và dễ bị kích thích, vì các tiêu chuẩn của họ đã bị thay đổi sau tổn thương”, Allison Kent, chuyên gia trị liệu tại Favoured Wellness Counseling ở Pennsylvania, nói.

Các chuyên gia chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy các hành vi tình dục của một người có liên quan đến chấn thương tâm lý trong quá khứ.

Ưu tiên tình dục lên hàng đầu

“Việc ưu tiên tình dục hơn bất kỳ điều gì khác và duy trì tâm lý này hàng ngày cho thấy bạn đang có một đời sống không lành mạnh”, tiến sĩ Kent nói.

Các biểu hiện bao gồm “khó khăn trong việc kiểm soát suy nghĩ hoặc lời nói về tình dục, hành động theo bản năng tình dục dẫn đến cản trở cuộc sống hàng ngày”, theo Omar Ruiz, nhà trị liệu về hôn nhân và gia đình tại TalkThinkThrive.

Cảm thấy tồi tệ về bản thân sau khi quan hệ tình dục

Thường xuyên hối hận về những lần quan hệ tình dục có thể là dấu hiệu của chấn thương tâm lý. “Những người có tiền sử sang chấn thường sử dụng tình dục như một cách để đối phó với cảm giác bất an của họ. Một trong những dấu hiệu cảnh báo là việc họ không vui hoặc cảm thấy khó chịu ngay sau khi quan hệ tình dục”, Jacob Brown, một nhà trị liệu tâm lý tại San Francisco, nói.

Tiến sĩ Kent gợi ý mỗi người tự hỏi bản thân một số câu hỏi để xác nhận nguồn cơn của những cảm xúc đó: Bạn có cảm thấy vô dụng nếu không quan hệ tình dục hay không? Bạn có thấy trống rỗng sau khi quan hệ tình dục không? Bạn có đang đánh đồng tình dục với tình yêu, cảm giác được yêu phụ thuộc hoàn toàn vào quan hệ tình dục?

Quan hệ tình dục theo cách nguy hiểm, rủi ro

Quá mạo hiểm trong các hoạt động tình dục, chẳng hạn không sử dụng biện pháp tránh thai, không biết tình trạng sức khỏe của bạn tình, là dấu hiệu cho thấy một người có tổn thương tâm lý trong quá khứ.

“Những người cảm thấy chơi vơi, cố gắng chứng minh sự tồn tại của mình và kết nối với người khác, để trốn khỏi cảm giác căng thẳng triền miên, dễ nảy sinh chứng nghiện tình dục”, Gillian O’Shea Brown, giáo sư trợ lý Đại học New York, tác giả cuốn “Healing Complex Post-Traumatic”, giải thích.

“Cảm giác cấp thiết phải xoa dịu các triệu chứng tâm sinh lý vì chấn thương quá khứ dễ dẫn đến hành vi tình dục thiếu sáng suốt, lựa chọn bạn tình bừa bãi và loại bỏ các tiêu chuẩn về an toàn, tự tôn của bản thân”, bà nói thêm.





Ham muốn tình dục cao, cố tình thực hiện các hành vi mạo hiểm trong tình dục là dấu hiệu của các tổn thương tâm lý trong quá khứ. Ảnh: HuffPost

Ham muốn tình dục cao, cố tình thực hiện các hành vi mạo hiểm trong tình dục là dấu hiệu của các tổn thương tâm lý trong quá khứ. Ảnh: HuffPost

Dùng tình dục để kiểm soát tâm trí bản thân và hành động của người khác

Người từng bị tổn thương trong quá khứ có xu hướng sử dụng tình dục như hình thức kiểm soát suy nghĩ của bản thân hoặc hành động của người khác, thay vì thể hiện sự thân mật.

“Một số người muốn có cảm giác kiểm soát và sở hữu đối với cơ thể của chính họ. Số khác sử dụng tình dục để cảm thấy có giá trị, được yêu thương. Có cả những người dùng tình dục để thao túng người khác”, tiến sĩ Kent nói.

Tình dục cho phép một số người kết nối với người khác, bởi họ thiếu đi những gắn kết về mặt tình cảm hoặc tinh thần. Hành vi thiên hướng cuồng dâm giống với việc “sử dụng tình dục để giải quyết vấn đề, chẳng hạn lấy lại sự bình tĩnh, xin lỗi hoặc đạt được mục đích cụ thể”, theo Jacob Brown.

Nghiện tình dục

Chứng nghiện tình dục khác với việc tận hưởng, hài lòng về đời sống tình dục. Người nghiện tình dục chỉ mong muốn được quan hệ càng nhiều càng tốt, giống với người nghiện thuốc phiện hoặc nghiện rượu. Tuy nhiên, họ không có khoái cảm thực sự từ người bạn tình của mình, Omar Ruiz cho biết.

Marisa Peer, chuyên gia trị liệu, người sáng lập Trung tâm Liệu pháp Biến đổi Nhanh, cho biết chứng cuồng dâm “biểu hiện bởi việc gia tăng ham muốn tình dục đột ngột hoặc cực kỳ thường xuyên và khó kiểm soát”. Đôi khi, chúng xuất phát từ chấn thương tâm lý, khiến người bệnh cảm thấy không an toàn với cơ thể của mình.

“Những người gặp sang chấn thời thơ ấu thường có ham muốn tìm kiếm sự thỏa mãn mang tính nghi thức, cưỡng bách, khiến tình trạng nghiện càng trầm trọng hơn. Giống với những chứng nghiện khác, nghiện tình dục có thể dẫn đến cảm giác xấu hổ, hối hận, tuyệt vọng và tái chấn thương thậm chí còn sâu sắc hơn”, giáo sư Gillian O’Shea Brown nhận định.

Tiến sĩ Kent cho biết điều trị chứng nghiện tình dục sau sang chấn không phải quá trình tuyến tính, ngày một ngày hai. Nó đòi hỏi tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa, động cơ đằng sau hành vi đó.

Theo ông, bước đầu tiên là nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần chuyên về sang chấn tâm lý và tình dục. Các phương pháp điều trị phổ biến là liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp hành vi biện chứng, tập trung vào cảm nhận, liệu pháp Giải mẫn cảm và Tái xử lý Chuyển động Mắt (EMDR).

Một số người sẽ được chỉ định dùng thuốc hoặc trị liệu lâu dài. Chuyên gia cũng khuyến nghị bệnh nhân liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa nội hoặc thần kinh, vì các vấn đề như chấn thương sọ não, rối loạn nội tiết và tình trạng tuyến giáp đôi khi cũng gây ra chứng nghiện tình dục.

“Nền tảng của việc chữa lành sang chấn bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức và kiến thức của bệnh nhân về phản ứng của cơ thể đối với các tổn thương tâm lý. Mục tiêu cuối cùng là định vị cảm giác an toàn đối với người bệnh”, giáo sư Gillian O’Shea Brown nói thêm.

Thục Linh (Theo Huffington Post)

Trả lời