Hội chứng đổ nhiều mồ hôi tay Leave a comment

Đổ mồ hôi tay quá nhiều là dấu hiệu của chứng bệnh tăng tiết mồ hôi do cường giao cảm khiến tay thường xuyên ẩm ướt, kể cả trong thời tiết khô lạnh.

Bác sĩ Vũ Đức Nin, Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết tiết mồ hôi là phản ứng điều tiết thân nhiệt bình thường của cơ thể khi vận động, chơi thể thao hay thời tiết nóng bức. Trường hợp tiết mồ hôi quá mức kể cả trong điều kiện bình thường là dấu hiệu của chứng bệnh tăng tiết mồ hôi do cường giao cảm. Ở người bị bệnh này, nhánh giao cảm của hệ thần kinh hoạt động bất thường, gây tình trạng cường giao cảm làm tuyến mồ hôi bị kích thích liên tục, dẫn đến đổ mồ hôi tay chân không kiểm soát.

Như một nam sinh 17 tuổi, ở TP Hạ Long, đổ mồ hôi lòng bàn tay nhiều năm nay, khó khăn cả khi cầm bút, ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt. Em đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám vào đầu tháng 6, bác sĩ chẩn đoán bị tăng tiết mồ hôi tay do cường giao cảm, chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực đốt hạch giao cảm. Ngay sau khi đốt, bàn tay bệnh nhân khô ấm, không bị đổ mồ hôi khi cầm nắm, xuất viện sau ba ngày phẫu thuật.

Theo Hiệp hội Tăng tiết mồ hôi Quốc tế, có khoảng 365 triệu người mắc bệnh tăng tiết mồ hôi tay, ảnh hưởng đến công việc. Nguyên nhân thường gặp do di truyền, chế độ ăn uống mất cân bằng, hoạt động thể chất quá mức hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc. Đổ mồ quá nhiều cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như cường giáp, thiếu hụt vitamin và khoáng chất, nhiễm độc…

Dấu hiệu nhận biết bệnh là lòng bàn tay, bàn chân thường xuyên ẩm ướt kể cả trong thời tiết khô lạnh, da hay bị bong tróc, nhợt nhạt hay bàn tay ướt sũng, thậm chí mồ hôi nhỏ thành giọt. “Căn bệnh không gây nguy hiểm nhưng mang lại nhiều phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là tâm lý tự ti, ngại tiếp xúc với người khác”, bác sĩ nói.

Bác sĩ khuyến cáo, các biện pháp dân gian như xoa tay với dầu dừa, nước hoa hồng, trà ngải cứu… chỉ khắc phục chứng đổ mồ hôi tạm thời nhưng không giải quyết triệt để bệnh. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ đưa hướng điều trị phù hợp như sử dụng chất chống mồ hôi tại chỗ, tiêm botox A, uống kháng cholinesterase toàn thân, liệu pháp ion nước hoặc phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm.

Phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm được chỉ định khi các phương pháp khác thất bại. Phương pháp này được thực hiện với hai hoặc ba đường mổ nhỏ (0,5-1 cm) ở vùng nách, đảm bảo tính thẩm mỹ, điều trị triệt để, tác dụng nhanh, hiệu quả cao và tỷ lệ tái phát thấp.

“Tuy nhiên, nội soi đốt hạch giao cảm có thể gây tràn khí màng phổi, do đó bác sĩ cần xác định chính xác các mốc giải phẫu, vị trí chuỗi giao cảm để thực hiện cuộc mổ an toàn”, bác sĩ Nin nói.

Để tăng hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần duy trì lối sống khoa học, kiểm soát tình trạng lo lắng, căng thẳng; rửa tay thường xuyên với nước lạnh; mặc trang phục thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh.

Thùy An

Trả lời