Hội chứng gây khó thụ thai ở nữ vận động viên Leave a comment

“Tam chứng” ở nữ vận động viên, bao gồm rối loạn ăn uống, vô kinh và loãng xương, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh sản.

Năm 1972, Đạo luật Sửa đổi Giáo dục của Mỹ có hiệu lực dẫn tới sự bùng nổ số lượng nữ giới tham gia môn điền kinh. Tỷ lệ nữ giới tham gia điền kinh trung học đã tăng gần 1000%. Dù có vô số lợi ích, trẻ em gái và phụ nữ khi đến với môn điền kinh, cũng gặp một số rủi ro riêng.

Vào năm 1992, các chuyên gia đã tìm thấy mối liên quan giữa việc rối loạn ăn uống, vô kinh (thiếu chu kỳ kinh nguyệt) và loãng xương với hoạt động thể thao, đặc biệt là những hoạt động thể thao đề cao vóc dáng gầy như chạy hoặc khiêu vũ. Đây được gọi là “Tam chứng” ở vận động viên nữ.

Để có chức năng sinh sản bình thường, phụ nữ phải tiêu thụ đủ một lượng năng lượng từ thức ăn. Lượng năng lượng này được đo bằng calo. Nếu lượng calo mà một phụ nữ ăn và lượng calo họ đốt cháy thông qua các hoạt động hằng ngày bị mất cân băng, chức năng sinh sản có thể bị cản trở.





Nếu lượng calo đốt cháy thông qua các hoạt động tập luyện quá cao so với lượng calo nạp vào, chức năng sinh sản có thể bị cản trở. Ảnh: Xframe

Nếu lượng calo đốt cháy thông qua các hoạt động tập luyện quá cao so với lượng calo nạp vào, chức năng sinh sản có thể bị cản trở. Ảnh: Xframe

Rối loạn ăn uống

Có 4 trường hợp dẫn đến việc một phụ nữ ăn không đủ để hỗ trợ cơ thể thực hiện các chức năng của mình.

Trường hợp đầu tiên là do vô tình. Một người phụ nữ có thể đơn giản là không nhận ra rằng lượng ăn của mình không đủ để cơ thể hoạt động. Điều này có thể là do thiếu kiến thức về dinh dưỡng, sai sót trong việc tính toán nhu cầu dinh dưỡng hoặc thiếu thời gian… Một số vận động viên chủ ý giảm lượng ăn bởi quan niệm sai lầm rằng việc tăng lượng calo sẽ làm giảm thành tích thể thao. Điều này đặc biệt phổ biến ở vận động viên chạy bộ và vũ công ba lê.

Những phụ nữ khác không đến mức rối loạn ăn uống nhưng vẫn khá nghiêm trọng, bao gồm ăn uống hạn chế, nhịn ăn, nhịn ăn, thường xuyên bỏ bữa, sử dụng thuốc ăn kiêng, thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu và sử dụng thuốc xổ.

Một số phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống toàn phần, đặc trưng bởi các hành vi ăn uống bất thường, sợ tăng cân một cách vô lý và có những quan niệm sai lầm về ăn uống, cân nặng và hình dáng. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng rối loạn ăn uống phổ biến hơn ở các vận động viên so với những phụ nữ khác.

Sự gia tăng hoạt động thể chất đòi hỏi cơ thể phải nạp vào một lượng calo lớn hơn so với thông thường. Ví dụ, một phụ nữ 18 tuổi không hoạt động nhiều có thể chỉ cần 1.800 calo mỗi ngày, trong khi người này có thể cần 3.000 hoặc 4.000 calo mỗi ngày nếu tham gia luyện tập cho môn thể thao ở trường trung học.

Một số phụ nữ nghĩ rằng nếu họ không bị giảm cân thì nghĩa là họ đang ăn đủ lượng calo. Thực tế, khi năng lượng sẵn có quá thấp, trước tiên, cơ thể sẽ giảm lượng năng lượng được sử dụng để duy trì tế bào, điều chỉnh nhiệt độ, tăng trưởng và sinh sản. Sự bù trừ này sẽ duy trì trọng lượng thay vì các chức năng khác của cơ thể. Giảm cân luôn là một dấu hiệu cho thấy nguồn năng lượng sẵn có bị thiếu hụt nhưng lượng năng lượng thấp không phải lúc nào cũng gây ra giảm cân.

Có những bộ phận của não chịu trách nhiệm sản xuất tín hiệu điện điều khiển hệ sinh sản. Các tín hiệu cần diễn ra theo chu kỳ để cơ thể sản xuất hormone thích hợp, cho phép quá trình rụng trứng diễn ra bình thường hằng tháng. Những vùng não này rất nhạy cảm với lượng năng lượng có sẵn trong cơ thể. Ở các vận động viên nữ, khi họ giảm lượng calo nạp vào hoặc tăng lượng tập luyện, những vùng não này sẽ đóng các xung điện của chúng và gây ra một loạt các tác động dẫn đến không rụng trứng và do đó không có kinh nguyệt.

Vô kinh

Khi buồng trứng hoạt động bình thường và sự rụng trứng đang diễn ra thì buồng trứng cũng đang sản xuất các hormone bao gồm: estrogen trước khi rụng trứng, cả estrogen và progesterone sau khi rụng trứng. Hai hormone này có nhiệm vụ làm dày niêm mạc tử cung và chuẩn bị cho việc mang thai. Trong trường hợp không thụ thai, lượng hormone giảm xuống và tạo ra kinh nguyệt. Vì vậy, việc không có kinh nguyệt đều đặn có thể là một dấu hiệu cho thấy năng lượng sẵn có của cơ thể đang bị thiếu hụt, gây nhiễu cho hệ sinh sản.

Vô kinh là tình trạng nữ giới không có kinh dù đã qua tuổi dậy thì, chưa mang thai và chưa mãn kinh. Có hai loại vô kinh: Vô kinh nguyên phát là khi phụ nữ trẻ không có kinh lần đầu tiên vào năm 15 tuổi. Vô kinh thứ phát là khi một phụ nữ đã có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nhưng mất kinh từ 3 tháng trở lên.

Những vấn đề này phổ biến hơn nhiều ở các vận động viên. Chưa 1% tổng số phụ nữ bị vô kinh nguyên phát nhưng tình trạng này lại xảy ra ở 10% vũ công ba lê và 20% vận động viên thể dục. Chỉ 2-5% phụ nữ nói chung bị vô sinh thứ phát, nhưng tình trạng này xảy ra với 65% vận động viên chạy cự ly và gần 70% vũ công.

Mọi người thường nghĩ về các vận động viên có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp. Tuy nhiên, các vận động viên nữ không có kinh thường xuyên có nguy cơ mắc các vấn đề về động mạch cao hơn. Những vấn đề này dẫn đến co thắt mạch máu bất thường và tắc nghẽn trong mạch máu, có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ ở phụ nữ trẻ khỏe mạnh.

Loãng xương

Việc sản xuất hormone tạo ra các kỳ kinh, như estrogen, rất quan trọng đối với sự phát triển và duy trì sức mạnh của xương. Các vận động viên không rụng trứng có nguy cơ cao bị gãy xương, điều này có thể cản trở họ tham gia các môn thể thao. Vì 90% khối lượng xương ở phụ nữ xuất hiện trước 20 tuổi, những phụ nữ không đạt sự phát triển xương đỉnh cao sẽ có nguy cơ cao bị loãng xương và gãy xương sau này trong đời. Đây là nguyên nhân chính gây ra khuyết tật và thậm chí tử vong ở phụ nữ lớn tuổi.





Chứng rối loạn ăn uống, sợ tăng cân phổ biến hơn ở các vận động viên so với những phụ nữ khác. Ảnh:

Chứng rối loạn ăn uống, sợ tăng cân phổ biến hơn ở các vận động viên so với những phụ nữ khác. Ảnh:

Điều trị “tam chứng”

Những phụ nữ tham gia nhiều vào các hoạt động thể thao như chạy, đi xe đạp, bơi lội và khiêu vũ đều có nguy cơ mắc tam chứng. Không rụng trứng là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nữ giới. Do đó, nếu muốn mang thai, họ cần phải đánh giá lại sự cân bằng calo của cơ thể khi không thấy dấu hiệu rụng trứng, không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều.

Phương pháp điều trị tam chứng là phục hồi năng lượng sẵn có bằng cách giảm số lượng hoặc cường độ tập luyện hoặc tăng lượng calo tiêu thụ. Đây không phải là một điều dễ dàng, bởi các vận động viên, đặc biệt là các vận động viên thi đấu, không muốn cắt giảm thời gian tập luyện.

Trong khi việc phục hồi năng lượng sẵn có có thể diễn ra trong vài ngày đến vài tuần, việc phục hồi quá trình rụng trứng và kinh nguyệt có thể mất vài tháng, còn cải thiện sức khỏe xương có thể mất nhiều năm. Những phụ nữ bị rối loạn ăn uống nên tìm đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được thăm khám và tư vấn điều trị thích hợp.

Anh Ngọc (Theo IVF1)

Trả lời