Hội chứng tiền kinh nguyệt ảnh hưởng chất lượng sinh hoạt nữ giới Leave a comment

Mức độ nặng, nhẹ của hội chứng tiền kinh nguyệt gây thay đổi tâm trạng, cảm xúc và sức khỏe, có thể giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) thường xảy ra trước ngày đầu “đèn đỏ”, đa dạng triệu chứng. Tùy theo thể trạng, các triệu chứng dài hay ngắn có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc và sinh hoạt của phái nữ. PMS thường xuất hiện trong vòng 2 tuần trước kỳ kinh và không xảy đến vào những ngày còn lại trong tháng. Những ngày này, chị em có thể nhận thấy bị chướng bụng, đau ngực, thèm ăn, khó ngủ, đau cơ, đau đầu, sưng nhẹ tay chân hoặc tăng cân.

Một số thay đổi khác về cảm xúc trong kỳ tiền kinh nguyệt gồm cáu gắt, dễ xúc động, tâm trạng lâng lâng, lo lắng, mệt mỏi, thay đổi ham muốn tình dục. Một số chị em còn gặp phải vấn đề tiêu hóa, như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, hội chứng ruột kích thích hoặc viêm ruột. Khi PMS trở nặng, người phụ nữ có thể đối mặt với các vấn đề giao tiếp gây cản trở và giảm chất lượng sinh hoạt gia đình, nuôi dạy con, giảm hiệu suất học tập và công việc, giảm nhu cầu giao tiếp với xã hội.

Các chuyên gia y tế cho biết, thông thường, đối với người khỏe mạnh đang không dùng thuốc điều trị bất cứ bệnh gì và không dùng chất cồn, thuốc lá, các triệu chứng PMS sẽ kết thúc trong hoặc sau kỳ kinh và không xuất hiện lại cho đến hai tuần trước chu kỳ tiếp theo.

Estrogen và progesterone là hai hormone chính trong cơ thể nữ giới gây ra PMS. Theo Hiệp hội mãn kinh Anh, thay đổi sinh lý do thay đổi trao đổi chất, thay đổi chất dẫn truyền thần kinh và thay đổi mạch máu cũng là các tác nhân chính gây ra PMS.





Đau co thắt bụng tiền kinh kỳ là một trong các triệu chứng thường gặp ở nữ giới. Ảnh: Freepik

Đau co thắt bụng tiền kinh kỳ là một trong các triệu chứng thường gặp ở nữ giới. Ảnh: Freepik

Khi nồng độ hormone dao động, chị em thường bị đau và sưng vú, co thắt bụng hoặc tử cung. Những thay đổi về trao đổi chất ảnh hưởng đến cân nặng, kích thích thèm ăn, gây sưng một số bộ phận trên cơ thể và ảnh hưởng năng lượng sinh hoạt. Những thay đổi chất dẫn truyền thần kinh lúc này cũng ảnh hưởng đến tâm trạng, giấc ngủ, các triệu chứng tiêu hóa và có thể gây ra chứng đau nửa đầu ở một số chị em. Ngoài ra, các thay đổi mạch máu cũng gây sưng tay chân và đau nhức nửa đầu.

Tổ chức chẩn đoán và thống kê về Rối loạn tâm thần (Mỹ) cho biết, PMDD là một triệu chứng PMS dạng nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe khoảng 3-8% phụ nữ trong kỳ “đèn đỏ”. Bệnh nhân thường cảm thấy buồn, tuyệt vọng hoặc có ý nghĩ tự vẫn; căng thẳng kéo dài hoặc bị rối loạn hoảng sợ; tâm trạng bất thường và hay khóc. Bệnh nhân có thể thường xuyên cáu kỉnh hoặc tức giận; mất hứng thú với các hoạt động bình thường hàng ngày và các mối quan hệ; suy giảm khả năng tập trung; mất động lực vận động; ăn uống vô độ.

Cách khắc phục

Thay đổi lối sống, bổ sung dưỡng chất, vitamin tổng hợp là một trong những cách khắc phục các triệu chứng PMS đơn giản.

Bổ sung dưỡng chất phù hợp: Cảm giác thèm ăn và ăn uống theo ý thích trong PMS có thể gây thiếu hụt vitamin và dinh dưỡng. Do đó, chị em nên bổ sung vitamin đầy đủ, như vitamin C, magie hoặc vitamin B12 để thể trạng luôn khỏe.

Dùng thuốc giảm đau theo toa: Bác sĩ có thể kê toa thuốc giúp giảm bớt triệu chứng nghiêm trọng ở một số trường hợp như chuột rút, đau nửa đầu hoặc trầm cảm nặng.

Thuốc giảm đau không kê đơn: Các thuốc có chứa ibuprofen hoặc acetaminophen có thể giúp giảm các triệu chứng chuột rút, đau đầu hoặc căng tức ngực do PMS.

Liệu pháp hormone: Ở một số phụ nữ, liệu pháp hormone bằng thuốc tránh thai, điều chỉnh nồng độ hormone có thể giúp giảm tác động của chứng PMS. Phụ nữ được chẩn đoán có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc tử cung được khuyến nghị không nên áp dụng liệu pháp này.

Châm cứu, bấm huyệt: Các nghiên cứu cũng cho thấy liệu pháp này hỗ trợ giảm một số triệu chứng PMS hiệu quả ở một số trường hợp cụ thể.

Dùng nhiệt: Chườm đá, chườm ấm giúp khắc phục triệu chứng. Chị em có thể cảm thấy thư giãn hơn khi chườm đá lên vị trí cơ đau hoặc chườm ấm lên bụng trong ít phút.

Trò chuyện: Những ngày tiền kinh nguyệt diễn ra, phái nữ có thể giao tiếp, trò chuyện với người thân hoặc bạn bè. Trò chuyện với chuyên gia tư vấn sức khỏe, nhận thức tâm trạng đang đổi thất thường hoặc viết nhật ký cũng là cách thư giãn tâm trạng hiệu quả được khuyến nghị.

Chị em có thể lưu lại lịch chu kỳ kinh nguyệt để theo dõi và nhận biết các triệu chứng PMS hằng ngày, trong 2-3 tháng. Đánh dấu ngày đầu cùng những triệu chứng gặp phải giúp đánh giá mức độ ảnh hưởng của triệu chứng. Thông thường, các triệu chứng thực sự của PMS không bắt đầu cho đến sau ngày 13 của chu kỳ. Do đó, triệu chứng khác trong khoảng thời gian này, theo các chuyên gia y tế, có thể do nguyên nhân khác gây ra nên thăm khám sớm.

Mai Trinh
(Theo Very Well Health)

Trả lời