Hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ Leave a comment

Hội chứng tử vong đột ngột gây ra những cái chết đột ngột không rõ nguyên nhân, xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh từ 2-6 tháng tuổi.

Đầu năm, tại Hà Nội các bác sĩ từng ghi nhận bệnh nhi 2 tháng tuổi, tử vong do Hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS). Theo gia đình kể lại, khoảng 18h mẹ cho bé bú trong tư thế nằm và ôm con áp vào ngực để ngủ. Hơn một giờ ngủ, người mẹ thức dậy phát hiện con thiếp đi trong tình trạng tím tái toàn thân, không còn thở. Tại bệnh viện bác sĩ xác định bệnh nhi ngừng thở, ngừng tim, hạ nhiệt độ, dù được hồi sức tích cực nhưng bé không qua khỏi. Các bác sĩ xác định bệnh nhi mắc hội chứng tử vong đột ngột (SIDS).

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) là khi một đứa trẻ bình thường bỗng chết đột ngột không rõ nguyên nhân. Trong đó khám nghiệm tử vong, khám nghiệm kỹ lưỡng sau khi chết và tiền sử lâm sàng không cho thấy nguyên nhân. Mặc dù SIDS được coi là hiếm, nhưng nó là nguyên nhân khá phổ biến gây tử vong cho trẻ em từ 1-12 tháng tuổi, chiếm từ 35-55% tổng số tử vong ở lứa tuổi này. Nó thường xảy ra nhất trong độ tuổi từ 2-4 tháng. Hầu như tất cả các ca tử vong do SIDS đều xảy ra khi đứa trẻ đang ngủ.





Bố mẹ nên tránh cho trẻ nằm sấp khi ngủ. Ảnh: Freepik

Bố mẹ nên tránh cho trẻ nằm sấp khi ngủ. Ảnh: Freepik

Vào năm 2015, SIDS gây ra hơn 19.200 cái chết ở trẻ sơ sinh và là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 ở trẻ em dưới một tuổi tại Mỹ vào năm 2011. Đáng chú ý, hội chứng này gây tử vong mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, thường xảy ra ở những trẻ khỏe mạnh.

Nguyên nhân

Theo Healthline, đến nay nguyên nhân của SIDS vẫn chưa rõ, nhưng các nhà khoa học đang xem xét một số nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nó như ngưng thở khi ngủ, do bất thường não trong khu vực kiểm soát hơi thở.

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ như trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng trước 1 tuổi (khi trẻ nằm ngủ, mặt có thể úp xuống và việc hạn chế đường thở là một nguyên nhân gây thiếu oxy trong quá trình ngủ), khuyết tật não, bệnh về đường hô hấp, trẻ nhẹ cân khi sinh, sinh non hoặc bố mẹ sinh nhiều con, tiền sử gia đình có người bị SIDS, trẻ hút thuốc thụ động hoặc mẹ hút thuốc khi mang thai.

Ngoài ra, bé sơ sinh nam có nguy cơ mắc hội chứng SIDS cao hơn nữ, mẹ trẻ dưới 20 tuổi, thời tiết lạnh quá hoặc nóng quá… cũng trở thành yếu tố nguy cơ dẫn đến tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh. Tăng thân nhiệt do quấn quá nhiều khăn gây nên một hiện tượng tăng thân nhiệt nhanh, làm tăng nhịp chuyển hóa và dẫn đến mất kiểm soát nhịp thở ở trẻ, tăng nguy cơ mắc hội chứng tử vong đột ngột.

Phòng tránh

SIDS chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng, do đó các nhà khoa học cũng khá khó khăn trong việc đưa ra cách phòng ngừa. Tuy nhiên căn cứ vào các yếu tố nguy cơ đã biết, mọi người có thể hạn chế hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc hội chứng SIDS ở trẻ.

Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là tư thế nằm của trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên cho trẻ nằm ngửa bất cứ khi nào, kể cả lúc ngủ vào ban ngày hay ban đêm. Một bước khác trong việc ngăn ngừa SIDS là cho trẻ ngủ với núm vú, núm vú giả không được quấn quanh cổ bé, hoặc dính vào quần áo, giường, hoặc thú nhồi bông của bé.

Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng có thể bảo vệ con tránh nguy cơ SIDS ngay từ khi mang thai bằng các thói quen như không hút thuốc, sử dụng rượu, lạm dụng chất kích thích trong khi mang thai hoặc sau khi sinh. Cha mẹ không cho trẻ ở gần khu vực có người hút thuốc. Nếu có thể, ba mẹ nên cho trẻ ngủ riêng từ sớm, trong cùng một phòng, nhưng không cùng giường. Người lớn nên tháo đồ chơi, đệm lót, chăn, dụng cụ định vị giấc ngủ và gối ra khỏi nôi khi đặt bé đi ngủ, tránh quấn chặt (quấn tã) cho bé khi đặt bé đi ngủ. Phụ huynh cho trẻ bú sữa mẹ cũng có thể giúp trẻ giảm nguy cơ SIDS.

Anh Chi (Healthline, VNCDC)

Trả lời