Hơi thở có mùi táo chín dễ biến chứng đái tháo đường nặng Leave a comment

Hơi thở của người bệnh đái tháo đường có mùi táo chín rất nguy hiểm, bởi đây là dấu hiệu nhiễm toan ceton do cơ thể sản xuất quá nhiều axit trong máu.

BS.CKI Phan Tuấn Trọng (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) chia sẻ, insulin do tuyến tụy tiết ra, là hormon duy nhất của cơ thể có vai trò kiểm soát đường huyết. Nhờ đó mà insulin giúp đường (glucose) – nguồn năng lượng chính cho cơ bắp và các mô khác – đi vào tế bào cơ thể. Ở người đái tháo đường, tuyến tụy tiết ra insulin kém hoặc không còn hoạt động, gây ra tình trạng thiếu hụt insulin. Khi đó, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo làm nhiên liệu. Quá trình này tạo ra sự tích tụ axit trong máu gọi là ceton. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ nhiễm toan ceton đái tháo đường, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Trọng chia sẻ thêm, nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm: tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Thế nhưng, nhiều trường hợp, người bệnh bị nhiễm toan ceton khi đã nhiễm trùng nặng, viêm mô tế bào hay viêm nhiễm lan rộng ra xung quanh mới đi khám. Lúc đó, tình trạng bệnh đã diễn tiến nặng, điều trị khó khăn, đôi khi phải lọc máu. Toan ceton tăng cao có thể gây biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não và thậm chí tử vong.





Người bị bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt, tiến triển nặng thì hơi thở thường có mùi giống táo chín. Ảnh: shutterstock

Người bị bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt, tiến triển nặng thì hơi thở thường có mùi giống táo chín. Ảnh: Shutterstock

Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh đái tháo đường nhiễm toan ceton như: thiếu hụt insulin, bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến hoạt động insulin, bệnh tim, sử dụng rượu bia, stress, sử dụng thuốc corticoid… Phần nhiều là do người bệnh sử dụng thuốc hạ đường huyết không đúng chỉ định, không đúng liều… dẫn đến việc kiểm soát đường huyết không tốt. Đôi khi toan ceton đái tháo đường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đái tháo đường ở những người chưa được chẩn đoán.

Triệu chứng nhiễm toan ceton đái tháo đường thường phát triển chậm, những dấu hiệu và triệu chứng ban đầu bao gồm: cảm thấy rất khát, đi tiểu nhiều hơn so với bình thường. Nếu không được điều trị, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra nhanh chóng, bao gồm: thở nhanh, sâu; da và miệng khô; mặt đỏ bừng; hơi thở có mùi trái cây (mùi táo); đau đầu; mệt mỏi; ói mửa; đau bụng…

Những đối tượng dễ bị nhiễm toan ceton

Theo bác sĩ Trọng, người bệnh đái tháo đường nếu có đủ các yếu tố như: kiểm soát đường huyết không tốt, lượng insulin không đủ, nhiễm trùng (do vết thương trầy xước khi bị té ngã), béo phì, dùng corticoid lâu năm (điều trị bệnh xương khớp)… thì nguy cơ nhiễm toan ceton càng cao. Người bệnh không may té ngã, trầy xước… có vết thương lâu lành, viêm nhiễm, đỏ tấy và lan rộng cũng dễ nhiễm toan ceton. Do hệ miễn dịch của người bệnh bị suy giảm, nhiều cơ quan trong cơ thể không còn nhạy bén như người bình thường, không “phát giác” được dấu hiệu sớm của bệnh.

Việc điều trị nhiễm toan ceton đái tháo đường sẽ thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết để bổ sung lượng chất lỏng bị mất do đi tiểu thường xuyên, giúp làm loãng lượng đường dư thừa trong máu; thay thế các chất điện giải, dùng thuốc kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm trùng để ngăn nhiễm toan ceton. Bác sĩ cải thiện tình trạng thiếu hụt insulin sẽ giúp đảo ngược các yếu tố gây ra tình trạng nhiễm toan ceton.

Nhiễm toan ceton là tình trạng cấp cứu nghiêm trọng nhưng có thể ngăn ngừa thông qua việc kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Việc đầu tiên là người bệnh duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định, kiểm soát lượng đường trong máu; uống thuốc theo toa, ăn uống theo chế độ của người bệnh đái tháo đường đường… Nếu lượng đường trong máu ở mức 300 mg/dl hoặc cao hơn hay phát hiện ceton trong nước tiểu khi xét nghiệm tại nhà, cần nhanh chóng tiếp cận dịch vụ cấp cứu gần nhất.

Nếu bị té ngã, người bệnh phải xử lý vết thương đúng cách như vệ sinh vùng da bị trầy xước (dùng thuốc sát trùng ngoài da, băng bó, giữ gìn vết thương). Sau té ngã 24-48 giờ, nếu người bệnh thấy xuất hiện các biểu hiện viêm nhiễm, sưng tấy vết thương, mệt mỏi… cần nhanh chóng đến bệnh viện.

Người bệnh đái tháo đường nếu thấy xuất hiện các biểu hiện căng thẳng, mệt mỏi, hơi thở có mùi trái táo chín; tình trạng nôn mửa kéo dài, khó thở, rối loạn tri giác, các bệnh lý khác (tim mạch, viêm tụy…) cần đến bệnh viện ngay để kiểm tra tình trạng nhiễm toan ceton. Tất cả những lời khuyên trên sẽ giúp người bệnh tránh các biến chứng nguy hiểm do nhiễm toan ceton do đái tháo đường gây ra.

Nhã Trang

Trả lời