Indonesia ghi nhận thêm hai trẻ tử vong vì viêm gan bí ẩn Leave a comment

Giới chức Indonesia chiều 11/5 ghi nhận thêm hai trẻ tử vong do mắc viêm gan bí ẩn, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 6.

Trường hợp đầu tiên là một bệnh nhi hai tuổi tại Medan, Bắc Sumatra. Ca tử vong thứ hai là bé sơ sinh hai tháng tuổi, sống ở Solok, Tây Sumatra.

Các bệnh nhi có triệu chứng giống nhau, bao gồm vàng da, sốt, tiêu chảy, nước tiểu đặc và phân có màu nhạt.

Tổng cộng, Indonesia đã ghi nhận 6 người chết vì bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân. Các ca tử vong trước đó được báo cáo ở Jakarta, Tulungagung, Đông Java.

Kể từ cuối tháng 4, giới chức y tế ghi nhận 15 ca nghi nhiễm viêm gan. Trẻ có độ tuổi từ một đến 17, sinh sống rải rác từ Jakarta đến Quần đảo Bangka Belitung. Hiện có 4 trường hợp được xếp vào diện phân loại chờ xử lý, vì không nhiễm viêm gan A, B, C, D, E và adenovirus.

“Tất cả các bệnh nhân đều đang được theo dõi tại bệnh viện. Một số em điều trị như bệnh nhân ngoại trú thông thường, số khác phải vào khoa hồi sức tích cực (ICU)”, Siti Nadia Tarmizi, Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Công cộng, cho biết.





Hình ảnh 3D của virus viêm gan B. Ảnh: Shutterstock

Hình ảnh 3D của virus viêm gan B. Ảnh: Shutterstock

Theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, virus viêm gan cấp tính thường lây truyền qua đường ăn uống. Ông khuyến cáo công chúng tăng cường cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, giữ lối sống lành mạnh, sạch sẽ.

“Nếu chăm rửa tay, chúng ta sẽ ngăn ngừa được vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể con cái mình”, ông Budi cho biết.

Đến nay, Bộ Y tế Indonesia vẫn đang phối hợp thảo luận cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước châu Âu để tìm ra nguyên nhân của căn bệnh viêm gan bí ẩn.

“Chúng tôi chưa thể kết luận chắc chắn loại virus gây bệnh viêm gan cấp tính, sẽ thực hiện thêm các nghiên cứu để tìm câu trả lời”, Bộ trưởng Budi nói.

Trước đó, các chuyên gia trên thế giới nghi ngờ adenovirus 41, một loại virus đường ruột là thủ phạm gây ra bệnh viêm gan. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tiêu chảy ở trẻ em, theo nghiên cứu tại các nước phát triển. Trong khi đó, các nhà khoa học ngày 8/5 xác nhận 70% bệnh nhi tại Anh sống trong gia đình nuôi chó hoặc có tiếp xúc với chó.

Bộ Y tế Việt Nam chiều 9/5 đề nghị các địa phương lấy mẫu tất cả trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca viêm gan bí ẩn. Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm hoặc ca nghi mắc viêm gan cấp tính ở trẻ.

Thục Linh (Theo CNN)

Trả lời