Khám cơ quan sinh dục nam trong điều trị vô sinh Leave a comment

Khám cơ quan sinh dục như dương vật, bìu và các đặc tính sinh dục thứ phát giúp dự đoán chính xác vô sinh nam.

Theo ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Nam học Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM, đối với bệnh nhân nam khoa nói chung và bệnh nhân vô sinh nam nói riêng, kỹ thuật khám cơ quan sinh dục đóng vai trò rất quan trọng. Chúng không chỉ giúp bác sĩ lâm sàng đưa ra những chẩn đoán chính xác (kết hợp với kết quả cận lâm sàng) mà còn giúp tiên liệu quá trình điều trị. Quá trình này bao gồm khám cơ quan sinh dục (dương vật, bìu, các cơ quan trong bìu) và các đặc tính sinh dục thứ phát.





ThS.BS Lê Đăng Khoa đang khám, tư vấn cho bệnh nhân vô sinh nam. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

ThS.BS Lê Đăng Khoa đang khám, tư vấn cho bệnh nhân vô sinh nam. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Khám bìu và các bộ phận trong bìu

Tinh hoàn: Bất thường trên bề mặt, bên trong hoặc sự khác biệt về sự đàn hồi giữa hai tinh hoàn gợi ý một khối u.

Mào tinh: Nằm ở mặt sau tinh hoàn, thường mềm, chạm không đau. Nếu mào tinh căng to, khám đau có thể có nguyên nhân bế tắc (thắt ống dẫn tinh, nhiễm trùng) và vô sinh. Ngoài ra nam giới có thể bị nang mào tinh, là khối u nang lành tính, có đường kính từ vài mm đến vài cm.

Ống dẫn tinh: Không có ống dẫn tinh là tình trạng liên quan tới thể tích tinh dịch ít và không có tinh trùng trong tinh dịch.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh (Varicocele): Tĩnh mạch thừng tinh giãn thường nằm phía trên tinh hoàn bên trái, dễ phát hiện. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có liên quan mật thiết đến hiếm muộn (chiếm khoảng 40% các trường hợp vô sinh), xoắn tinh hoàn, nhiễm trùng cấp và mạn tính (bệnh quai bị, lậu, chlamydia,…), xuất tinh ngược dòng (chiếm 2% số trường hợp vô sinh).

Đo kích thước tinh hoàn

Thể tích tinh hoàn được đánh giá bằng thước đo tinh hoàn (orchidometer) Prader. Thể tích tinh hoàn bình thường ở trẻ em nhỏ hơn 3 m, ở thiếu niên là 4-14 ml, ở người lớn là 15-35 ml.

Bác sĩ Khoa cho biết, thông thường, tinh hoàn hai bên không cân xứng, có thể chênh lệch nhau không quá 2/3 (ví dụ: 15 ml và 20 ml). Giảm thể tích tinh hoàn cho thấy có thể quá trình sinh tinh bị thương tổn.

Khám đặc tính sinh dục

Nữ hóa tuyến vú: là quá trình phát triển liên tục và quá mức mô tuyến vú lành tính, thường xảy ra ở tuổi dậy thì và hết khi trưởng thành. Nguyên nhân có thể là do sử dụng cần sa, lạm dụng nội tiết tố nam, rối loạn chức năng gan. Ngoài ra, bệnh cũng có thể do thương tổn tuyến yên, tinh hoàn, tuyến thượng thận. Tình trạng nữ hóa tuyến vú diễn tiến nhanh có thể cảnh báo ung thư tinh hoàn.

Phúc Thịnh

Trả lời