Khám giảm ham muốn phát hiện tăng huyết áp, suy thận nặng Leave a comment

Đi khám giảm ham muốn, anh Tùng phát hiện huyết áp tăng cao 282/175 mmHg nguyên nhân dẫn đến suy thận nặng và nhiều bệnh nguy hiểm.

Gần đây, anh Trần Văn Tùng, 40 tuổi, Bình Thuận thường xuyên cảm thấy hồi hộp, tức ngực. Anh sụt 5 kg, có dấu hiệu suy giảm sinh dục. Người đàn ông 40 tuổi nghĩ, cơ thể mệt mỏi do làm việc vất vả, không có thời gian chăm sóc bản thân. Sau nhiều lần vợ, người thân khuyên bảo, anh bớt mặc cảm, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám.

Tại bàn sàng lọc, điều dưỡng đo huyết áp thông báo huyết áp anh tăng cao lên tới 282/175 mmHg (bình thường 120/80 mmHg). Vì vậy, anh được chuyển sang khoa cấp cứu. Bác sĩ CKI Hồng Văn In – Phó khoa Cấp cứu dùng máy đo huyết áp khác thử lại thì chỉ số huyết áp vẫn hiển thị 282/175 mmHg. Bác sĩ In tiếp tục đo lại nhiều lần, xác nhận máy đo không sai.

Bác sĩ Hồng Văn In phân tích, huyết áp người trưởng thành bình thường dưới 120/80 mmHg. Khi huyết áp tăng lên 140/90 mmHg hoặc cao hơn là bị tăng huyết áp. Vì anh Tùng có mức huyết áp cao ngưỡng 282/175 mmHg các chuyên gia chỉ định xét nghiệm, siêu âm khẩn. Kết quả chẩn đoán cho biết, anh Tùng bị suy thận độ 5, đối diện nguy cơ chạy thận, tăng huyết áp cấp, hạ kali, hẹp động mạch chủ, hở van tim động mạch chủ, hội chứng mạch vành cấp. Chính suy thận là nguyên nhân khiến anh giảm ham muốn, gặp rắc rối trong “chuyện vợ chồng”.





Huyết áp của anh Tùng tăng vọt. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP HCM

Huyết áp của anh Tùng tăng vọt. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP HCM

Theo bác sĩ Hồng Văn In, ở người bệnh đái tháo đường hoặc suy thận thì chỉ số huyết áp phải dưới 130/80 mmHg mới ổn định. Bởi lẽ, anh Tùng không biết bản thân mắc bệnh nên tình trạng này kéo dài, khiến bệnh trở nặng, đối diện mắc thêm nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

“Trước khi huyết áp ở mức cao vọt như hiện tại thì người bệnh đã trải qua các mức huyết áp 140, 160, 180… suốt thời gian dài. Nhưng do người bệnh luôn nghĩ bản thân khỏe mạnh nên bỏ qua các dấu hiệu của bệnh, dẫn đến suy thận. Nếu khám sớm, tình trạng suy thận và các bệnh nguy hiểm khác sẽ được điều trị sớm”, bác sĩ In chia sẻ.

Anh Tùng cho biết, từ trước đến nay anh thấy cơ thể anh bình thường, thường có thói quen uống rượu bia mỗi ngày. Trước ngày đi khám, anh vẫn uống bia. Khoảng 4-5 tháng qua, anh ít gần gũi vợ, khi bác sĩ thông báo suy thận, bản thân và gia đình bất ngờ.

Hiện, anh Tùng được chỉ định dùng thuốc điều trị suy thận giai đoạn 5 nhưng nguy cơ chạy thận nhân tạo để lọc máu cao. Anh Tùng sẽ điều trị các bệnh về mạch máu, hội chứng mạch vành cấp – đe dọa tính mạng với triệu chứng đau thắt ngực không ổn định, tiến triển đến nhồi máu cơ tim, có thể tử vong đột ngột.

Huyết áp cao dẫn đến rối loạn cương dương, ảnh hưởng não bộ

Theo bác sĩ Hồng Văn In, tăng huyết áp là một trong những tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị, kiểm soát sẽ dẫn đến biến chứng lên não, mắt, tim, thận, mạch máu. Khi đi khám, người bệnh đều được đo huyết áp, từ đó bác sĩ sẽ chẩn đoán được tình trạng bệnh, chỉ định thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời. Ở trường hợp anh Tùng, huyết áp cao không được kiểm soát là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có cả suy thận, rối loạn cương dương.





Bác sĩ Hồng Văn In khám sức khỏe cho anh Tùng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP HCM

Bác sĩ Hồng Văn In khám sức khỏe cho anh Tùng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP HCM

Tim mạch: huyết áp cao gây xơ vữa mạch máu, thành mạch không còn sức đàn hồi, dễ bị tổn thương. Các mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch khiến máu lưu thông đến tim không hiệu quả, gây ra các tình trạng mệt, đau ngực… dần dần theo thời gian sẽ hình thành cục huyết khối gây tắc nghẽn mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp.

Thận: tăng huyết áp lâu ngày làm tăng áp lực lọc nước tiểu trong cầu thận, lâu ngày thận sẽ bị tổn thương. Lúc này, khả năng lọc đào thải bị suy giảm, gây ứ đọng nước, chất độc khiến cơ thể mệt mỏi, ngứa ngoài da, phù khắp người. Khi độ lọc cầu thận <15ml/phút kéo dài từ 3 tháng trở lên, bệnh nhân rơi vào suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận lọc máu để duy trì sự sống hoặc thay thế thận. Ngược lại, khoảng 5% trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp do hậu quả của bệnh thận (ví dụ như bệnh viêm cầu thận mãn).

Với mắt: huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ đáy mắt gây ra bệnh võng mạc. Ở mức độ nặng hơn, tăng huyết áp gây xuất huyết sau võng mạc, phù gai thị, người bệnh sẽ bị nhìn mờ hoặc mù mắt.

Với não bộ: tăng huyết áp làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch gây nhồi máu não nguy hiểm đến tính mạng, bệnh lý chất trắng dưới vỏ não dẫn đến sa sút trí tuệ, khả năng ghi nhớ. Nghiên cứu cho thấy, người bị đột quỵ có nguy cơ sa sút trí tuệ, mắc bệnh Alzheimer tăng gấp nhiều lần so với người bình thường.

Với mạch máu: huyết áp cao gây tăng áp lực lên thành động mạch chủ khiến mạch bị giãn hoặc xơ cứng. Thành mạch yếu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vỡ động mạch chủ khiến người bệnh tử vong. Tình trạng huyết áp tăng trong thời gian dài còn gây vôi hóa, tắc nghẽn các động mạch cảnh, động mạch cột sống, động mạch thận, động mạch nội tạng, động mạch chi dưới…

Rối loạn cương dương: tăng huyết áp lâu dài khiến lớp nội mạc của thành mạch máu bị tổn thương, không thể tiết ra chất NO (nitrite oxide). Khi thiếu NO, cơ trơn mạch máu ở dương vật bị co thắt, không giãn ra được và gây rối loạn cương cứng. Thống kê cho thấy cứ 3 người tăng huyết áp thì có một người gặp vấn đề với rối loạn cương dương. Để khắc phục tình trạng này, trước hết người bệnh cần điều trị huyết áp ổn định.

Theo bác sĩ In, nhiều quý ông gặp trục trặc sinh lý thường mua các loại thuốc cường dương tác dụng nhanh để uống, lấy lại phong độ. Tuy nhiên, các loại thuốc kéo dài thời gian quan hệ hoạt động trên cơ chế làm giãn các cơ thành mạch máu và tăng lưu lượng máu đến dương vật, duy trì sự cương cứng. Trong khi đó, ở người bị tăng huyết áp lâu dài, các thành mạch đã tổn thương, xơ vữa,… nên khi lưu lượng máu gia tăng sẽ tạo thêm áp lực lên thành mạch, dễ khiến vỡ mạch máu, tử vong đột ngột (thượng mã phong). Suy giảm sinh dục là dấu hiệu sớm của bệnh tăng huyết áp, do đó, cánh mày râu gặp trục trặc trong chuyện chăn gối cần đi khám sức khỏe để được chẩn đoán và điều trị.

“Tâm lý người dân sợ đi khám bệnh vì cho rằng cứ đi khám sẽ ra bệnh, lại đâm lo lắng. Tuy nhiên, việc đi khám bệnh sẽ giúp người dân phát hiện ra vấn đề sức khỏe, chữa trị kịp thời, tránh tình trạng đến bệnh viện khi quá muộn”, bác sĩ Hồng Văn In thông tin.

*Tên nhân vật đã được thay đổi*

Nguyễn Trăm

Trả lời