Khi nào cần khám đau đầu do Covid-19? Leave a comment

Người bệnh cần đến các cơ sở y tế khi xuất hiện những cơn thiếu máu não thoáng qua gây rối loạn cảm giác nửa người, giảm thị lực.

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, đau đầu là triệu chứng phổ biến khi mắc Covid-19 bên cạnh các dấu hiệu ho, sốt, tiêu chảy, mất vị giác. Khảo sát với 2.000 bệnh nhân mắc Covid-19 tại chuyên trang Chăm sóc F0, đau đầu là triệu chứng hàng đầu người bệnh gặp phải khi nhiễm SARS-CoV-2.





Đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Ảnh:Shutterstock

Đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Ảnh:Shutterstock

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, triệu chứng đau đầu xuất hiện do rối loạn co thắt mạch máu, còn gọi là đau đầu vận mạch. Khi động mạch co thắt, chèn ép vào các dây thần kinh sẽ làm một số vùng trong não và các cơ vùng đầu thiếu máu tạm thời gây ra phản ứng đau. Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng, lo âu trong quá trình nhiễm bệnh cũng là nguyên nhân của tình trạng này.

Đau đầu là triệu chứng phổ biến, tuy nhiên khi gặp những cơn đau đầu bất thường người bệnh cần theo dõi để có hướng điều trị kịp thời. “Người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế khi xuất hiện những cơn thiếu máu não thoáng qua gây đau đầu, rối loạn cảm giác nửa người, giảm thị lực một bên…”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Những cơn đau đầu đến bất chợt nhưng rất có thể lại là dấu hiệu của đội quỵ. Trước đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra bệnh nhân mắc Covid-19 có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ trong thời gian mắc Covid-19 từ 0,9% đến 2,7%, gấp 7 lần so với nhiễm các virus khác.

Ngoài ra, bác sĩ Hoàng cũng đưa ra lời khuyên, khi gặp triệu chứng đau đầu với tần suất dày đặc và mức độ đau nghiêm trọng người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Thống kê từ 15 nghiên cứu trên thế giới ghi nhận 44% người bị đau đầu. Sau 6 tháng, các triệu chứng này vẫn tiếp diễn với tần suất khá cao, với khoảng 50% trường hợp kéo dài. Theo bác sĩ Hoàng, người bệnh cần áp dụng kết hợp nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng đau đầu kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống.

Để giảm triệu chứng đau đầu vận mạch xuất phát từ nguyên nhân tổn thương thực thể, người bệnh có thể dùng thuốc hoạt huyết giúp màu lưu thông tốt hơn. Với trường hợp đau đầu kèm theo đau nhức vai gáy, kết hợp xoa bóp sẽ giúp bệnh nhân hạn chế tình trạng đau. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như panadol, ibuprofen… để xoa dịu những cơn đau, tuy nhiên không nên lạm dụng.

Ngoài ra, người gặp tình trạng đau đầu do Covid-19, cần một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để cải thiện tình trạng bệnh. Bệnh nhân cần tránh tâm lý lo âu, căng thẳng, giảm cường độ làm việc… và tạo môi trường sống thoải mái. Thường xuyên tập thể dục, tránh xem những tin tức tiêu cực là một trong những biện pháp người bệnh có thể áp dụng để giảm triệu chứng.

Hồng Thảo

Trả lời