Khi nào cần kiểm tra xương hàm sau mắc Covid-19? Leave a comment

Hoại tử xương sọ, hàm sau Covid-19 nguy hiểm. Tôi có cần phải đi chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện bệnh không? (Phước Việt, 43 tuổi).

Trả lời:

Gần đây, một số bệnh viện tại TP HCM tiếp nhận một số bệnh nhân bị hoại tử xương hàm bất thường, trong đó có một số ca tử vong, các bệnh nhân đều có điểm chung là từng mắc Covid-19. Trên thế giới cũng từng có báo cáo về một số ca hoại tử xương hàm sau mắc Covid-19.

Hiện, chưa có bằng chứng rằng những ca hoại tử xương hàm gần đây là do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên có 4 yếu tố nguy cơ có liên quan đến hoại tử xương hàm sau khi mắc Covid-19: do virus Sars-CoV2 bám vào thụ thể ACE-2 (ở niêm mạc mũi, miệng) có khả năng gây tăng đông làm tắc mạch máu nuôi xương hàm và giảm máu nuôi dưỡng xương; sử dụng thuốc corticosteroid liều cao trong phác đồ điều trị Covid-19; bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm; có bệnh nền như đái tháo đường…

Biểu hiện đầu tiên của hoại tử xương hàm là đau nhiều ở vùng đầu, mặt, răng, khẩu cái trong giai đoạn bị nhiễm Covid-19, tiến triển kéo dài âm ỉ, không thuyên giảm. Các biểu hiện lâm sàng khi khám bệnh là sưng viêm mi mắt, sưng vùng trán, lung lay răng, xương hàm trên, có lỗ rò mủ, có những vết loét và lộ xương hàm trên, hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ.

Hiện nay, một số ca bệnh được báo cáo diễn biến nặng dẫn đến tử vong, nhưng tỷ lệ xảy ra rất thấp. Vì vậy người dân không nên quá hoang mang, tự đi chụp cộng hưởng từ hay cắt lớp vi tính (CT) kiểm tra khi chưa có biểu hiện bất thường. Điều này không cần thiết, tốn kém chi phí.

Trong trường hợp bạn xuất hiện các triệu chứng như đau răng hàm, răng lung lay, nhiễm trùng nướu, sưng mặt, nhức đầu… nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Từ đó, các chuyên gia có hướng điều trị kịp thời. Việc chụp MRI hay không sẽ do bác sĩ quyết định.

Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan
Khoa Nội hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Trả lời

1.4260