Khi nào cần phẫu thuật hạt tophi? Leave a comment

Nếu hạt tophi có kích thước lớn và không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng và lở loét, biến dạng khớp dẫn đến tàn phế.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Khoa Cơ xương khớp – BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, hạt tophi là tập hợp những tinh thể urat, kết tủa trong các mô liên kết, tăng dần trong nhiều năm, lắng đọng tại các vị trí khớp xương và phần mềm quanh khớp ở người bệnh Gout. Chúng trông như các nốt sần, kích thước to nhỏ khác nhau tùy từng bệnh nhân. Sự xuất hiện của các hạt tophi dưới da là dấu hiệu cho thấy bệnh Gout đã chuyển thành mạn tính, và bệnh đã bị lâu năm. Nếu không điều trị thường xuyên và kịp thời, người bệnh khó tránh khỏi các biến chứng nguy hiểm, trong đó có tổn thương khớp gây tàn phế.

Hạt tophi có thể xuất hiện ở tất cả các khớp nhưng thường gặp nhất là ở khớp cổ chân, ngón chân, khuỷu tay, cổ tay hoặc đầu gối. Ngoài ra, tinh thể urat này còn có thể lắng đọng ở thận, van tim, màng cứng nhãn cầu… Quá trình hình thành các hạt tophi sẽ trải qua nhiều năm.





Hạt tophi phát triển quá mức, ảnh hưởng sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Ảnh: Shutterstock

Hạt tophi phát triển quá mức, ảnh hưởng sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Ảnh: Shutterstock

Theo thạc sĩ Ánh Ngọc, thông thường, hạt tophi sẽ được điều trị nội khoa. Phẫu thuật cắt bỏ được chỉ định nếu hạt tophi có kích thước lớn, số lượng nhiều; có biến chứng nhiễm trùng, lở loét đặc biệt khi hạt tophi bị vỡ; khớp bị biến dạng, ảnh hưởng khả năng vận động… Trong trường hợp các hạt tophi đã gây ra những tổn thương nặng nề cho khớp, phẫu thuật thay khớp sẽ được chỉ định để bảo tồn khả năng vận động của người bệnh.

Đối với hạt tophi có kích thước nhỏ, mục tiêu điều trị là làm tan hạt và thu nhỏ kích thước của chúng bằng thuốc. Theo đó, các loại thuốc như allopurinol, febuxostat, probenecid, pegloticase … sẽ được chỉ định để giảm lượng axit uric trong máu, từ đó làm tan các hạt tophi.

Ngoài ra, bác sĩ Ngọc cho hay thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ bùng phát các đợt bệnh cấp và góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể. Vì vậy, người bệnh nên tập thói quen uống đủ nước để hỗ trợ đào thải axit uric, không tiêu thụ các loại thức uống có cồn như rượu, bia; hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin (đạm) như các loại thịt có màu đỏ, phủ tạng động vật, hải sản…: , tăng cường rau củ quả, trái cây giàu vitamin C, sữa và các sản phẩm làm từ sữa; thường xuyên vận động, duy trì cân nặng hợp lý…





Hạt tophi xuất hiện xung quanh khớp, có thể gây biến dạng khớp. Ảnh: Shutterstock

Hạt tophi xuất hiện xung quanh khớp, có thể gây biến dạng khớp. Ảnh: Shutterstock

Nếu không được điều trị kịp thời, hạt tophi sẽ lớn dần theo thời gian và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng và lở loét. Nhất là khi hạt tophi vỡ, chèn ép dây thần kinh gây đau và tê yếu; phá hủy sụn, xói mòn đầu xương; biến dạng khớp dẫn đến tàn phế; sỏi và suy giảm chức năng thận. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường dưới da.

Bác sĩ Ánh Ngọc cho biết, dù phát triển dưới da nhưng những hạt tophi này vẫn có thể được nhìn thấy bằng mắt thường và dễ dàng sờ vào. Các hạt tophi có dạng hình tròn hoặc ovan, với nhiều kích thước khác nhau, từ 0.5mm đến 10cm. Hạt tophi có hình dạng như các hạt sần nhỏ, căng phồng, bên trong chứa dịch lỏng, sệt hoặc tinh thể rắn của axit uric. Bản thân các hạt này không tự gây đau nhưng người bệnh có thể cảm thấy khó chịu do khớp bị sưng hoặc tổn thương, căng da, xuất hiện phản ứng viêm… Ở tình trạng viêm cấp, hạt tophi sẽ gây nóng, đỏ da hoặc rỉ dịch. Đặc biệt, bệnh gout là một trong những nguyên nhân hình thành hạt tophi. Vì vậy, nếu người bệnh khởi phát một cơn gout cấp tính sẽ dẫn đến sưng, đau, nóng khu vực xung quanh hạt tophi, khó cử động khớp bị ảnh hưởng trong nhiều ngày, cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Ánh Ngọc lưu ý thêm, người mắc bệnh gout mạn tính ngoài phát triển các hạt tophi dưới da, tổn thương khớp, bệnh còn có thể có những biến chứng như sỏi thận, và suy thận nếu không điều trị và theo dõi thường xuyên. Do đó, việc điều trị định kỳ và kịp thời đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý bệnh nhân gout.

Phi Hồng

Trả lời