Khi nào cần phẫu thuật viêm tai giữa? Leave a comment

Người bị viêm tai giữa cấp tính nhưng điều trị nội khoa không giảm nhiễm trùng, tái phát nhiều lần; bệnh trở thành mạn tính, chảy mủ tai cần phẫu thuật.

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, đa phần các trường hợp viêm tai giữa đều có thể khỏi bệnh mà không cần can thiệp phẫu thuật. Song viêm tai giữa dễ tái phát do không phát hiện bệnh từ sớm, khiến bệnh vào giai đoạn muộn, tiến triển nặng và khó điều trị. Bệnh nhân tự mua thuốc uống, dẫn đến điều trị không đúng cách; không điều trị triệt để, không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ…

Một số trường hợp, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật viêm tai giữa để tránh các biến chứng không mong muốn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sự phát triển.





Viêm tai giữa ảnh hưởng đến khả năng nghe của người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock

Viêm tai giữa ảnh hưởng đến khả năng nghe của người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Hằng chia sẻ thêm, một số biến chứng viêm tai giữa cần phẫu thuật như thủng màng nhĩ hoặc viêm tai xương chũm là nguyên nhân gây mất thính lực ở người bị viêm tai giữa, làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu và phát triển ngôn ngữ, nhất là ở trẻ nhỏ. Người bị viêm tai giữa mủ cấp tính hoặc đã được điều trị bằng thuốc không hiệu quả hay tai có cholesteatoma – một dạng tổn thương biểu mô gây hủy xương do viêm tai giữa mạn tính gây ra.

Các khối cholesteatoma này có kích thước lớn dần theo thời gian, gây ảnh hưởng đến chuỗi xương con trong tai và có thể làm mất thính lực vĩnh viễn, hủy xương sàn sọ gây viêm màng não. Viêm tai giữa gây viêm xương chũm mạn tính cũng có thể cần phải can thiệp phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật viêm tai giữa đối với các trường hợp cụ thể như sau:

Đối với viêm tai giữa mạn tính: Bác sĩ có thể chỉ định mổ viêm tai giữa bằng phương pháp vá màng nhĩ đơn thuần đối với trường hợp viêm tai giữa mạn tính kèm theo thủng màng nhĩ và không có bệnh tích về xương.

Đối với viêm tai giữa chảy mủ tai: Trong trường hợp viêm tai giữa kèm theo cholesteatoma và viêm xương chũm mạn tính hoặc xuất hiện các biến chứng như biến chứng nội sọ do tai, thủng màng nhĩ, tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng, bảo tồn thính lực.





Trẻ được nội soi kiểm tra tai bằng ống mềm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trẻ được nội soi kiểm tra tai bằng ống mềm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đối với viêm tai giữa cấp tính: Khi điều trị viêm tai giữa bằng phương pháp nội khoa không làm giảm tình trạng nhiễm trùng hoặc người bệnh bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần hoặc tình trạng viêm tai giữa ứ dịch kéo dài nhất là ở trẻ em, bác sĩ có thể chỉ phẫu thuật bằng các phương pháp nạo VA (khi VA bị nhiễm trùng hoặc phì đại), phẫu thuật đặt ống thông khí: các ống nhỏ được chèn vào màng nhĩ để dẫn lưu không khí và dịch từ tai giữa ra bên ngoài.

Theo bác sĩ Hằng, để quá trình phẫu thuật đạt hiệu quả cao, người bệnh cần chú ý những việc cần làm trước và sau khi phẫu thuật. Trước khi tiến hành mổ viêm tai giữa, người bệnh cần làm các xét nghiệm tiền phẫu theo chỉ định của bác sĩ, trị liệu cho tai khô trước mổ, đánh giá thính lực, gội đầu sạch sẽ trước thời gian mổ một ngày. Sau phẫu thuật viêm tai giữa, nếu xuất hiện dấu hiệu nhức tai, nhức đầu, nôn ói, người bệnh nên báo ngay với bác sĩ để được xử trí. Người bệnh sẽ được thay băng mỗi ngày và cắt chỉ sau 7 ngày phẫu thuật.

Hoàng My

Trả lời