Khi nào chảy máu cam nguy hiểm? Leave a comment

Người lớn, trẻ nhỏ chảy máu cam hơn 20 phút, mất máu nhiều, diễn ra thường xuyên nên thăm khám vì có thể có dị vật, chấn thương mũi, hộp sọ.

Lớp niêm mạc bề mặt của mũi chứa một số mạch máu và chỉ cần chấn thương hoặc kích ứng nhỏ cũng có thể gây chảy máu.

Chảy máu cam thường gặp ở trẻ em và người lớn. Hầu hết chảy máu cam chỉ kéo dài trong vài phút, không phải là nguyên nhân nghiêm trọng và thường có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp, người bị chảy máu cam cần thăm khám bác sĩ như có chấn thương, có dị vật…

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây chảy máu cam và cách để xử trí chảy máu cam tại nhà.

Với trẻ em

-Chảy máu mũi không ngừng sau 20 phút xử trí, đặc biệt nếu trẻ bị chấn thương ở đầu hoặc mặt. Các chấn thương nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến mũi hoặc hộp sọ.

Trường hợp có một dị vật mắc kẹt trong mũi cũng đáng lo ngại.

Trẻ có các triệu chứng khác như chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, nôn mửa hoặc khó thở. Điều này có thể cho thấy trẻ bị mất máu quá nhiều hoặc máu chảy xuống cổ họng.

Với người lớn

Tương tự như đối với trẻ em, người lớn nên đến bác sĩ nếu chảy máu mũi không cầm được sau 20 phút hoặc mất nhiều máu.

Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu cảm thấy khó thở, nôn khan hoặc nôn mửa do máu chảy xuống cổ họng.

Một chấn thương nghiêm trọng ở đầu hoặc mặt gây chảy máu mũi cũng cần được chăm sóc y tế. Ví dụ: nếu bạn đang chảy máu từ các bộ phận khác của cơ thể như tai hoặc trực tràng. Điều này có thể cho thấy có xuất huyết bên trong, các vấn đề về đông máu hoặc rối loạn mạch máu.

Cả người lớn và trẻ em cũng nên được bác sĩ khám nếu chảy máu cam nhiều lần, thường xuyên vì có thể do các khối u ở mũi, polyp mũi…

Cách xử trí khi bị chảy máu cam

Một số nguyên nhân gây chảy máu như ngoáy mũi, chấn thương nhẹ ở mũi, cảm lạnh thông thường, viêm xoang và dị ứng, không khí khô, xì mũi quá mạnh, lạm dụng thuốc xịt thông mũi, thuốc làm loãng máu, căng thẳng, thai kỳ…

Một số mẹo có thể tự chăm sóc, giúp ngừng chảy máu mũi không thường xuyên ở người lớn và trẻ em như sau.

Ngồi ở tư thế thẳng giúp máu thoát ra từ mũi và ngăn không cho máu chảy xuống cổ họng. Máu chảy xuống cổ họng có thể gây nôn và buồn nôn.

Chườm lạnh lên sống mũi giúp co mạch máu trong mũi, có thể cầm máu.

Hỉ mũi nhẹ nhàng có thể loại bỏ cục máu đông trong lỗ mũi.

Nhẹ nhàng bóp phần mềm của mũi trong ít nhất 5 phút mà không thả ra. Áp lực lên vách ngăn mũi có thể làm máu ngừng lưu thông. Lặp lại khi cần thiết trong tối đa 15 phút.

Không đặt gạc hoặc khăn giấy bên trong lỗ mũi của người lớn, trẻ em. Thay vào đó, hãy dùng khăn ẩm chườm lên mũi để giúp thấm hút máu.

Đối với trường hợp chảy máu cam nghiêm trọng hơn hoặc chảy máu cam thường xuyên, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật sửa vách ngăn lệch, điều chỉnh thuốc làm loãng máu…

Cách ngăn ngừa chảy máu cam

Nếu người lớn, trẻ em bị chảy máu cam có thể do viêm xoang, dị ứng hoặc các bệnh khác thì một số cách dưới đây có thể giảm tần suất chảy máu cam.

– Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi theo chỉ dẫn để giữ ẩm cho đường mũi.

– Sử dụng máy tạo độ ẩm khi bị dị ứng hoặc cảm lạnh thông thường gây chảy máu mũi.

– Đừng xì mũi quá mạnh.

– Cố gắng bỏ hút thuốc (hút thuốc có thể làm khô và kích ứng đường mũi của bạn).

– Cắt móng tay và không nên ngoáy mũi.

– Mang thiết bị bảo vệ mặt khi chơi một số môn thể thao nhất định.

– Cố gắng mở miệng khi hắt hơi để tránh làm tổn thương các mạch máu trong mũi.

Kim Uyên
(Theo Healthline)

Trả lời