Khi nào nên lo lắng về cơn đau vú? Leave a comment

Đau “núi đôi” thường không đáng lo ngại nhưng nếu cơn đau tăng dần, vú tiết dịch, có khối u thì nên thăm khám sớm.

Đau vú thường xảy ra ở phụ nữ. Các hormone sinh dục nữ estrogen, progesterone ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc và kích thước mô vú. Khi ở giai đoạn thay đổi nội tiết tố như đang mang thai, trong khi cho con bú hay trong kinh kỳ, phụ nữ thường bị đau và căng vú.

Đau vú thường xảy ra có chu kỳ và không theo chu kỳ. Đau vú theo chu kỳ có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Cơn đau có thể kéo đến vào những lúc nhất định trong chu kỳ này, thường là đầu chu kỳ hoặc trong kỳ rụng trứng. Đau vú theo chu kỳ thường không nghiêm trọng. Cơn đau thường lan tỏa từ khu vực nách, một bên vú.

Đau vú không theo chu kỳ có thể xảy ra bất chợt, không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Cơn đau vú bất chợt thường xảy ra bởi chấn thương chung, chấn thương mô vú hoặc do đau khớp, thường là cảm giác đau liên tục ở một vùng cụ thể của vú. Cơn đau có thể đến bất chợt, dần dần hoặc lan dần khu vực vú.

Các nguyên nhân gây đau vú có chu kỳ và không theo chu kỳ gồm chấn thương, do uống thuốc ngừa thai, thuốc chống trầm cảm, nhiễm trùng khu vực vú… Ngoài ra, phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh, trong thai kỳ hay đang cho con bú cũng hay gặp phải vấn đề này. Lựa chọn áo ngực không phù hợp cũng là tác nhân gây đau vú. Bị đau cơ, viêm nhiễm, u nang hay ung thư vú khiến nữ giới dễ bị đau vùng “núi đôi”.

Hầu hết cơn đau vú thông thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc đến bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng như sốt do đau vú, tiết dịch vú, cơn đau tăng dần hoặc bất thường, phát hiện có khối u (u gây đau hoặc không đau), vùng da vú bị đổi màu. Ngoài ra, cơn đau vú bất chợt diễn ra không trong chu kỳ kinh cũng nên thăm khám.





Phụ nữ có thể sờ nắn núi đôi để kiểm tra có khối u hay không. Ảnh: Freeepik

Phụ nữ có thể sờ nắn “núi đôi” để kiểm tra có khối u hay không. Ảnh: Freeepik

Các yếu tố gây đau vú và phương pháp chẩn đoán

Tiền sử gia đình là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe “núi đôi”. Bạn cần trao đổi cụ thể với bác sĩ về tiền sử gia đình hoặc các đột biến di truyền gây tăng khả năng phát triển ung thư vú. Ngoài di truyền, các yếu tố nguy cơ khác gây mắc ung thư vú gồm: bệnh nhân từ 50 tuổi, có kinh sớm, mãn kinh muộn, bơm ngực, xạ trị, sử dụng thuốc, béo phì, dùng phẫu thuật có kích thích hormone.

Bác sĩ sẽ tư vấn và hỏi về tiền sử bệnh của bản thân và gia đình bạn trong trường hợp người thân của bạn từng mắc ung thư vú. Xét nghiệm di truyền bằng máu và nước bọt cũng sẽ được khuyến nghị nhằm biết được nguy cơ mắc ung thư. Bạn sẽ được chụp X-quang tuyến vú để kiểm tra mô vú chi tiết. Phụ nữ trong độ tuổi 50-74 được khuyến nghị nên chụp quang tuyến vú ít nhất hai năm một lần. Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú hoặc bệnh về vú càng nên kiểm tra tuyến vú thường xuyên hơn. Các xét nghiệm vú khác gồm: xét nghiệm máu, siêu âm vú, chụp CT, sinh thiết vú (được khuyến nghị ở trường hợp nguy cơ cao mắc ung thư vú).

Xác định được nguyên nhân cơn đau vú giúp điều trị thích hợp. Trường hợp bệnh nhân mắc ung thư vú cần thường xuyên được theo dõi tình trạng bệnh và giai đoạn của bệnh. Hầu hết các cơn đau vú thông thường có thể chữa trị bằng thuốc kê toa và thay đổi lối sống. Bệnh nhân nên kiểm tra các loại thuốc đang sử dụng, nhất là các thuốc liên quan đến kiểm soát thai kỳ. Lựa chọn áo ngực vừa vặn với kích thước ngực, giảm ăn mặn và béo, giảm liều lượng caffeine khi cần thiết.

Ngoài ra, bạn có thể chườm đá, chườm nóng và thư giãn cơ thể. Kiểm tra sức khỏe “núi đôi” định kỳ để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cho cả nam và nữ giới.

Mai Trinh
(Theo Healthline)

Trả lời