Kích thước ngực ảnh hưởng đến ung thư vú thế nào? Leave a comment

Các nhà khoa học chưa tìm thấy mối liên hệ giữa kích thước vú với ung thư vú nhưng phụ nữ béo phì ngực lớn có nguy cơ mắc ung thư vú cao.

Theo tờ Very Well Health (Mỹ), béo phì đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ung thư vú, đặc biệt là đối với phụ nữ sau mãn kinh. Do vậy, không ít người nghi ngờ những người phụ nữ ngực to có nguy cơ ung thư vú cao hơn ngực lép.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Dịch tễ học Quốc tế năm 2019, các nhà nghiên cứu Mỹ kết luận có mối liên hệ nhân quả giữa BMI (chỉ số khối lượng cơ thể) và kích thước ngực với ung thư vú. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng cho mối quan hệ trực tiếp giữa kích thước vú và nguy cơ ung thư vú.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, béo phì đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của căn bệnh này, nhất là đối với phụ nữ sau mãn kinh. Thông thường, phụ nữ béo phì có bộ ngực lớn hơn phụ nữ bình thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Tuy nhiên, nguy cơ này còn chịu tác động của các yếu tố khác như chỉ số khối cơ thể. Cân nặng là yếu tố luôn được các nhà khoa học xem xét khi đánh giá nguy cơ ung thư vú của phụ nữ.





Kích thước ngực không ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú. Ảnh: Freepik

Kích thước ngực không ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú. Ảnh: Freepik

Ngoài cân nặng, có những yếu tố chính khác ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú như giới tính, tuổi tác, tiền sử gia đình, di truyền, uống rượu…

Giới tính và tuổi tác: phụ nữ và người lớn tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn nam giới, người trẻ. Mặc dù, bệnh có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn nhưng hầu hết ung thư vú được phát hiện ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên.

Tiền sử gia đình bị ung thư vú: có khoảng 10% trường hợp ung thư vú có liên quan đến tiền sử gia đình. Nghiên cứu cho thấy, nếu trong gia đình bạn có một người thân cấp một (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) bị ung thư vú sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh của bạn. Nguy cơ tăng cao hơn nếu thành viên gia đình là nam giới hoặc người trẻ tuổi.

Tiêu thụ rượu: phụ nữ uống một lượng rượu vừa phải sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú vì rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen. Uống rượu nặng cũng có thể làm hỏng trực tiếp axit deoxyribonucleic trong các tế bào của mô vú. Những tổn thương như thế này có thể khiến các tế bào nhân lên bất thường, với tốc độ cao, làm phát sinh các khối u tiền ung thư và ung thư.

Khuynh hướng di truyền: khi một gene đột biến được truyền lại từ mẹ và cha sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú của phụ nữ.

Mật độ vú: vú được cấu tạo từ mô tuyến, mô liên kết và mô mỡ. Mô tuyến là một phần của vú tạo ra sữa, trong khi mô liên kết giữ cho bầu vú ở đúng vị trí. Những người có bộ ngực dày đặc có ít mô mỡ hơn người có ngực lép.

Nghiên cứu về nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ từ 65 tuổi trở lên năm 2021 đăng trên tạp chí JAMA (Mỹ) cho biết, khoảng 43% phụ nữ từ 40-74 tuổi có mô vú dày đặc và phụ nữ có bộ ngực đầy đặn có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người có mô vú hẹp. Tuy nhiên, các nhà khoa cho rằng vẫn cần thêm thời gian để xác định nguyên nhân chính xác.

Một vấn đề khiến các nhà nghiên cứu gặp khó khăn là xác định kích thước vú để phân loại ngực to, ngực lép. Vì cả mô vú dày đặc và các cục u đều hiển thị màu trắng trên chụp quang tuyến vú nên rất khó để phân biệt.

Xét ở nhiều phương diện, các nhà khoa học cho rằng, mặc dù béo phì và ngực dày làm tăng nguy cơ ung thư vú, nhưng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng kích thước ngực ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú. Vì vậy, quan niệm ngực to dễ bị ung thư vú hơn ngực lép là chưa chính xác.

Anh Chi (Theo Very Well Health)

Trả lời