Làm thế nào để phát hiện ung thư sớm? Leave a comment

Tầm soát khi chưa có triệu chứng, nhất là nhóm đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm ung thư, tăng hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống.

Cô Trần Thu Hương (50 tuổi, Bắc Giang) từng sàng lọc ung thư vú hàng năm ở một số nơi và các kết quả phim X-quang tuyến vú 2D đều được đánh giá bình thường. Gần đây, cô Hương đến tầm soát, thăm khám tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội phát hiện một bên vú có vùng nghi ngờ kích thước nhỏ (dưới 10 mm) thông qua hệ thống chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp (DBT). Khi phân tích sâu hơn, nghi ngờ vùng này tổn thương có tính chất ác tính nên các bác sĩ đã tiến hành sinh thiết, kết quả là ung thư biểu mô xâm lấn tại chỗ.





Hệ thống máy chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp (DBT) giúp tầm soát ung thư vú. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Hệ thống máy chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp (DBT) giúp tầm soát ung thư vú. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn Ngọc Tâm (58 tuổi, Hà Nội) tự phát hiện có khối lồi ở hậu môn và đi ngoài phân máu nhiều đợt. Trước đó, bà Tâm đã thăm khám và điều trị tại một số cơ sở y tế nhưng triệu chứng bệnh không thuyên giảm. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, người bệnh được chỉ định nội soi đại tràng tầm soát ung thư. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có polyp đại tràng, polyp lớn trực tràng chảy máu và có trĩ kèm theo. Hình ảnh nội soi cho thấy tổn thương u tuyến trực tràng tiến triển ung thư.

Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tổn thương u tuyến nhằm đảm bảo loại bỏ khối u hoàn toàn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không đau bụng, hết đi ngoài phân máu. Sau 3 ngày nội soi đánh giá ổn định, bệnh nhân được xuất viện và tái khám sau 6 tháng.

Đây là hai trong nhiều trường hợp nhờ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm đã được điều trị kịp thời và tiến triển tốt. Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, để phát hiện sớm ung thư nên tầm soát ngay cả khi khỏe mạnh, chưa có triệu chứng, có thể thực hiện thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến một năm. Đặc biệt ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao như có tiền sử gia đình mắc ung thư di truyền, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, có bệnh nền hoặc liên quan đến nhóm tuổi nhất định. Tỷ lệ người trẻ mắc ung thư ngày càng tăng. Bác sĩ khuyên không nên đợi khi có tuổi mới quan tâm đến việc phòng căn bệnh nguy hiểm này.





TS.BS Vũ Hữu Khiêm tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

TS.BS Vũ Hữu Khiêm tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Tùy từng loại ung thư mà phương pháp tầm soát, phát hiện bệnh sớm sẽ khác nhau. Hiện nay, để tầm soát ung thư có các phương pháp như khám lâm sàng kết hợp với xét nghiệm máu, nội soi, siêu âm, chụp X-quang. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ có thể chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ và một số kiểm tra chuyên sâu khác. Ngoài ra, các xét nghiệm giải trình tự gene có thể giúp xác định các đột biến di truyền gây ung thư, từ đó, bác sĩ đưa ra chiến lược theo dõi hoặc can thiệp bệnh hiệu quả.

Phát hiện ung thư sớm tăng tỷ lệ sống sót

Bác sĩ Khiêm cho hay, mặc dù ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị theo đúng phác đồ. Với ung thư vú (loại ung thư phổ biến ở phụ nữ), điều trị ở giai đoạn sớm cho tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 99% nhưng ở giai đoạn muộn thì tỷ lệ sống chỉ còn 23%. Với ung thư đại trực tràng, tỷ lệ sống sót sau 5 năm nếu được phát hiện sớm lên tới 90% và giảm xuống chỉ còn 9% ở giai đoạn muộn… Ngày càng có nhiều phương pháp điều trị khối u hiệu quả với các loại ung thư được phát hiện sớm như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.





Tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi được chẩn đoán ở các giai đoạn bệnh của một số loại ung thư. Đồ họa: Mai Cát. Nguồn: American cancer society.

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi được chẩn đoán ở các giai đoạn bệnh của một số loại ung thư. Đồ họa: Mai Cát. Nguồn: American cancer society.

Theo bác sĩ Khiêm, bệnh ung thư tiến triển âm thầm, không có triệu chứng, trong khi rất nhiều người lại chưa ý thức được tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ, đánh mất thời gian “vàng” để chẩn đoán sớm ung thư. Người bệnh thường đến bệnh viện khi đã xuất hiện các triệu chứng và khi đó khối u thường đã ở giai đoạn muộn, xâm lấn tại chỗ, di căn nhiều nơi, tiên lượng rất xấu, điều trị kém hiệu quả.

Đơn cử một bệnh nhân nam lớn tuổi, tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, chưa từng đi khám trước đó. Bệnh nhân xuất hiện ho khan dai dẳng, thậm chí có lần còn ho khạc dây máu hồng cũng vẫn không đến bệnh viện cho đến khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, nôn vọt ngay sau ăn. Sau khi thăm khám, ông được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn muộn, đã di căn não. “Giá như người bệnh tầm soát định kỳ hoặc đi khám ngay khi có triệu chứng, bệnh có thể được phát hiện sớm thì tiên lượng sẽ tốt hơn rất nhiều”, bác sĩ Khiêm nói.

Bác sĩ Khiêm cho biết thêm, dựa vào kết quả tầm soát lần đầu, bác sĩ sẽ xác định bạn có nguy cơ mắc ung thư cao hay thấp, loại ung thư nào, từ đó đưa ra kế hoạch tầm soát định kỳ dài hạn giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, không nên bỏ qua một số dấu hiệu có thể cảnh báo bệnh ung thư như vấn đề đại tiểu tiện (tiểu nhiều lần, tiểu máu, phân có nhầy máu…), đau bất kỳ vị trí nào và dai dẳng không rõ nguyên nhân; ho dai dẳng và khàn giọng; chảy máu, tiết dịch bất thường từ mũi, đường tiêu hóa, sinh dục hay tiết niệu. Ngoài ra, xuất hiện u cục bất thường ở vú hay bất kỳ vị trí nào khác; mụn cơm, nốt ruồi với kích thước, màu sắc, hình dạng, độ dày có sự thay đổi theo thời gian hay sụt cân nhiều không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu của ung thư. Người bệnh cần thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Mai Cát

Trả lời