Làm thế nào giảm tác dụng phụ của hóa trị? Leave a comment

Bệnh nhân nên uống đủ nước, ăn nhiều bữa nhỏ, kiêng chất kích thích… để cải thiện tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy… do hóa trị.

Mẹ tôi 57 tuổi, đang hóa trị ung thư phổi. Do tác dụng phụ của hóa chất nên mẹ tôi mệt mỏi, ăn uống kém, rụng tóc, hay bị nôn ói, khô và loét miệng… Có cách nào giúp giảm tác dụng phụ của hóa trị không thưa bác sĩ? Xin cảm ơn! (Đỗ Văn Đạt, Thái Nguyên)

Trả lời:

Theo ThS.BS Nguyễn Thành Trung, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thuốc hóa trị có thể làm suy yếu các tế bào khỏe mạnh, chẳng hạn như tế bào máu mới trong tủy xương hoặc các tế bào trong miệng, dạ dày, da, tóc và các cơ quan sinh sản. Khi các tế bào khỏe mạnh bị tổn thương, nó sẽ gây ra các phản ứng phụ. Dưới đây là một số tác dụng phụ của hóa trị và cách cải thiện các triệu chứng khó chịu.

Giảm buồn nôn, nôn hoặc chán ăn

Hóa trị liệu kích thích các vùng não kiểm soát cảm giác buồn nôn hoặc các tế bào niêm mạc miệng, cổ họng, dạ dày và ruột.

Để cải thiện tình trạng này, người bệnh có thể sử dụng thuốc chống nôn theo hướng dẫn của bác sĩ; uống đủ nước mỗi ngày (40ml/kg trọng lượng cơ thể) bao gồm nước lọc, nước trái cây pha loãng hoặc nước điện giải như Pedialyte, Gatorade, Powerade và các thức uống thể thao khác. Người bệnh nên kiêng caffeine, kể cả trà và soda; thường xuyên ăn nhiều bữa nhỏ; hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến nhiều gia vị.

Bấm vào huyệt vùng cổ tay cũng có thể giúp giảm buồn nôn và nôn. Nếu nôn từ 3-5 lần trong vòng 24 giờ, tình trạng buồn nôn không thuyên giảm sau khi uống thuốc chống buồn nôn, cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng, ngất xỉu… người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám.





Bệnh nhân đang điều trị bệnh. Ảnh: Shutterstock

Bệnh nhân đang điều trị bệnh. Ảnh: Shutterstock

Cải thiện táo bón

Một số phương pháp hóa trị có thể gây táo bón. Táo bón là tình trạng đại tiện ít hơn so với bình thường, phân khô, tỏn mỏn và khó đi… Để cải thiện táo bón, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu chất xơ (trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt); uống nhiều nước; đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Người bệnh có thể dùng thuốc chống táo bón không kê đơn, thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu bị đầy hơi trong hơn 2-3 ngày, đại tiện khó hoặc không thể đại tiện trong hơn 2-3 ngày.

Giảm tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng đại tiện phân lỏng hoặc nước, với tần suất nhiều hơn mức bình thường. Người bệnh cần uống nhiều nước, gồm cả nước lọc và nước điện giải, nước canh và nước trái cây; dùng thuốc chống tiêu chảy không kê đơn như loperamide Imodium nhưng cần hỏi ý kiến của bác sĩ. Người bệnh không được dùng các loại thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng trong ít nhất 12 giờ hoặc cho đến khi hết tiêu chảy. Ăn một lượng nhỏ thức ăn mềm, nhạt, ít chất xơ như bánh mì trắng, mì ống, gạo và thức ăn làm từ bột mì trắng hoặc tinh chế cũng có ích.

Người bệnh không nên ăn thực phẩm cay như nước sốt nóng, ớt và các món cà ri. Thực phẩm giàu chất béo như bơ, dầu, nước sốt kem và thực phẩm chiên; đồ uống có caffein như cà phê, trà và một số loại nước ngọt có ga cũng cần hạn chế.

“Nếu đi tiêu chảy 4 lần trở lên trong 24 giờ và không thuyên giảm sau khi đã uống thuốc; bị đau và chuột rút ở bụng kèm theo tiêu chảy; bị kích ứng xung quanh hậu môn hoặc trực tràng không biến mất, đại tiện ra máu…, người bệnh nên tới bệnh viện ngay”, bác sĩ Trung cho biết.

Cải thiện triệu chứng viêm niêm mạc

Một số thuốc hóa trị có thể gây viêm niêm mạc dẫn đến khó khăn trong việc ăn uống. Viêm niêm mạc là tình trạng đỏ, sưng, đau hoặc lở loét trong miệng, trên lưỡi hoặc môi. Các triệu chứng có thể bắt đầu từ 3-10 ngày sau đợt điều trị hóa trị đầu tiên.

Súc miệng từ 4-6 giờ một lần hoặc thường xuyên hơn, mỗi lần súc 15-30 giây giúp cải thiện các triệu chứng này; có thể dùng nước súc miệng không chứa cồn và Hydrogen peroxide hoặc dung dịch tự pha (trộn 1-2 thìa cà phê muối với 1 lít nước). Ngoài ra, người bệnh nên dùng bàn chải đánh răng mềm, dưỡng ẩm môi; không ăn thức ăn chua, mặn hoặc cay, nóng, không hút thuốc lá. Nếu thường xuyên bị lở miệng, đau khi ăn hoặc nuốt, khó khăn trong việc uống nước, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị.

Giảm mệt mỏi

Hệ thống miễn dịch suy yếu có thể do giảm bạch cầu trung tính sau hóa trị. Bạch cầu trung tính có nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm…) nên khi bị suy giảm có thể dễ bị nhiễm trùng hơn.

Bệnh nhân ung thư cần hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, tránh đến nơi đông người để phòng nguy cơ mắc bệnh; rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20-30 giây; xịt cồn sát khuẩn tay trước khi ăn, sau khi chạm vào đồ vật nơi công cộng; có thể tắm bằng dung dịch chlorhexidine gluconate (CHG) 4% chất làm sạch da như Hibiclens.

Các trường hợp cần đến bệnh viện như sốt từ 38°C trở lên, run và ớn lạnh; có các dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng khác như sưng, nóng hoặc chảy mủ tại vị trí chấn thương hoặc vết mổ hoặc tại vị trí đặt ống thông; ho nhiều, đau họng, cảm giác nóng rát khi đi tiểu…

Giảm rụng tóc

Một số trường hợp hóa trị có thể gây rụng tóc khoảng 2-4 tuần sau đợt điều trị đầu tiên và tóc sẽ bắt đầu mọc trở lại vài tháng sau lần điều trị cuối cùng. Để cải thiện tình trạng rụng tóc, người bệnh có thể dùng dầu gội dành cho trẻ em hoặc các loại dầu gội nguồn gốc thảo dược; tránh tiếp xúc đầu với nắng mặt trời; giữ ấm da đầu vào mùa đông. Liệu pháp massage đầu có thể hữu ích nhưng người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ.

“Trong trường hợp xuất hiện nhiều tác dụng phụ gây khó chịu, ăn uống kém, mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tư vấn, xử trí phù hợp”, bác sĩ Trung nói thêm.

Nguyên Phương

Trả lời