Lầm tưởng nước hầm xương bổ dưỡng cho trẻ Leave a comment

Nhiều mẹ nghĩ nước hầm xương bổ dưỡng, cho trẻ ăn nhiều sẽ khỏe mạnh, cao lớn, tuy nhiên điều này không đúng, có thể khiến bé thiếu vi chất.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng – Bác sĩ trưởng Nutrihome Lê Đại Hành – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết, theo suy nghĩ của nhiều phụ huynh, nước hầm xương gần như là “trợ thủ đắc lực” trong chế biến các món ăn dành cho trẻ em. Thậm chí nhiều mẹ nghĩ nước hầm các loại xương rất bổ dưỡng, muốn con khỏe mạnh cao lớn thì cho ăn nhiều. Thực tế, nhiều ba mẹ đưa bé thấp còi, suy dinh dưỡng đến khám tại Nutrihome đặt câu hỏi với bác sĩ rằng: “Tại sao ngày nào tôi cũng dùng nước hầm xương heo, gà, bò,… để nấu cháo, súp cho con ăn ngon, cao lớn mà vẫn thấp còi so với bạn đồng trang lứa?”.





Nước hầm xương không bổ dưỡng như nhiều phụ huynh vẫn nghĩ. Ảnh: Shutterstock

Nước hầm xương không bổ dưỡng như nhiều phụ huynh vẫn nghĩ. Ảnh: Shutterstock

Theo đó, bác sĩ Tùng khẳng định nước hầm xương không bổ dưỡng như nhiều người vẫn nghĩ. Ngay cả quan niệm “ăn xương bổ xương” cũng không đúng. Ngược lại, nếu trẻ ăn nhiều bột, cháo với nước ninh xương mà thiếu bổ sung các thực phẩm khác thì sẽ đối mặt nguy cơ thiếu nhiều thành phần dinh dưỡng.

Nước hầm xương hầu như không có các chất dinh dưỡng như đạm, các vitamin, khoáng chất mà thành phần nhiều nhất trong nước hầm là mỡ động vật. Đây là chất béo động vật gây khó tiêu hóa. Nếu trẻ ăn nhiều sẽ gây đầy bụng, tiêu chảy hoặc đi cầu phân sống.

Đặc biệt, trong xương có canxi nhưng là canxi vô cơ nên cơ thể trẻ không thể hấp thu được, cho dù hầm kỹ đến đâu thì canxi cũng không hòa tan trong nước hầm. Đạm cũng không tan trong nước nên không có nhiều trong nước hầm. Trong 100 mg xương hầm chỉ có khoảng 0,6 g đạm, đáp ứng 1/30 nhu cầu đạm của trẻ. Trong 100 ml nước xương hầm ước tính chỉ có khoảng 33,5 miligam canxi, chỉ đáp ứng chưa đến 1/100 nhu cầu canxi của trẻ một ngày.

“Nước hầm xương mặc dù chứa nhiều nitơ, tạo cảm giác ngọt, mùi thơm, ngon miệng, dễ ăn nhưng ít đạm, canxi, các chất dinh dưỡng khác. Vì thế nếu chỉ dùng nước xương hầm nấu cháo cho trẻ, bé sẽ có nguy cơ bị thiếu chất dinh dưỡng nghiêm trọng”, bác sĩ Tùng cho biết.

Ngoài ra, việc dùng nước hầm xương nấu cháo, bột, súp cho bé nếu không cho thêm thịt, cá, tôm và các loại rau củ sẽ hình thành thói quen trẻ lười nhai, chán ăn. Trẻ ăn thô kém, chậm phát triển nha chu, chậm mọc răng.

Tùy vào lứa tuổi, khẩu vị của từng bé mà mẹ có thể chế biến thực phẩm đa dạng, làm sao đảm bảo chén bột/cháo luôn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm…); chất béo (dầu, mỡ); chất bột đường (bột, gạo); vitamin và khoáng chất (rau xanh, củ). Ngoài ra, các chất này cần được phối hợp liều lượng khoa học để vừa cung cấp đủ năng lượng, dưỡng chất, giúp bé hấp thu, tiêu hóa tốt.

Để hấp dẫn bé ăn ngon, không ngán, đủ chất, ba mẹ nên thay đổi xen kẽ nước hầm xương bằng nước nấu rau củ để nấu cháo cho trẻ. Bác sĩ Tùng đưa ra một số lời khuyên:

Bố mẹ không dùng duy nhất nước hầm xương để nấu bột hay cháo hàng ngày. Thay vào đó, người lớn cần phải tận dụng cả nước hầm xương kết hợp với thịt, cá, rau củ….

Gia đình chỉ nên sử dụng nước hầm xương 1-2 lần/tuần, tránh lạm dụng sẽ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu dẫn đến biếng ăn. Đặc biệt khi sử dụng, ba mẹ hãy chú ý vớt bỏ lớp mỡ bên trên

Tùy vào lứa tuổi và khẩu vị của trẻ mà ba mẹ cần đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ đa dạng, sử dụng nhiều nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, cung cấp chất xơ giúp bé tránh táo bón.





Ba mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Ba mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Ảnh: Shutterstock

Với nước hầm xương, phụ huynh có thể dùng để nấu bột, cháo… cho trẻ từ 8 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, cần lưu ý hầm cho đúng cách, thay vì sử dụng xương ống, nên chọn xương sườn, các loại xương cá, chân gà… để bảo vệ hệ tiêu hóa còn non nớt của bé, trẻ không bị đầy bụng, khó tiêu. Mỗi lần nấu, chỉ nên dùng khoảng 2-3 lạng xương hoặc vài chiếc chân gà ta, dùng xương cá, tôm… để thay đổi các loại nước hầm khác nhau, kích thích vị giác cho trẻ tốt hơn.

Khi ninh xương, ba mẹ cần kiểm tra thường xuyên để hớt bọt, loại bỏ phần váng mỡ thật kỹ. Để tránh hiện tượng đầy bụng do nước hầm xương gây ra, các mẹ có thể dùng hành tím hoặc miếng gừng nhỏ bằng hạt bắp đập nát cho vào mỗi khi nấu cháo, bột cho trẻ.

Bác sĩ Tùng lưu ý thêm, khi trẻ đang mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì không nên dùng nước hầm xương. Ngoài ra, với những bé mặc dù đã cho ăn uống đa dạng nhưng trẻ vẫn biếng ăn hoặc thấp còi, nhẹ cần thì phụ huynh nên đưa con đi khám dinh dưỡng để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó có hướng điều trị kịp thời cho trẻ.

Bảo Anh

Trả lời