Làn sóng Covid mới ở châu Âu gây áp lực cho y tế Leave a comment

Đợt bùng phát Covid-19 mới tại châu Âu không khiến số ca tử vong tăng mạnh, song nguy cơ tạo ra cuộc khủng hoảng cho hệ thống bệnh viện trong vài tháng tới.

Làn sóng Covid-19 (do hai biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 gây nên) đang bùng phát khắp châu Âu. Số ca nhiễm và nhập viện gia tăng trong khi các quốc gia đã loại bỏ phần lớn các biện pháp phòng ngừa. Chính phủ các nước không yêu cầu người dân đeo khẩu trang, sử dụng hộ chiếu vaccine hay xét nghiệm hàng loạt. Họ chuyển trọng tâm sang hồi phục kinh tế. Cuộc khảo sát gần đây của McKinsey cho thấy dưới 12% công dân Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha coi đại dịch là mối quan tâm hàng đầu.

Tại Pháp, 900.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 trong tuần đầu tháng 7, con số cao nhất tại EU, theo Đại học Johns Hopkins. Theo Bộ Y tế Pháp, chủng BA.5 chiếm 67% các trường hợp mắc mới, trong khi 7% là chủng BA.4.

Ở Anh, tỷ lệ nhập viện trung bình theo ngày tăng 31% so với tuần trước. Theo Nhóm Phản ứng Covid-19, công suất sử dụng giường của các bệnh nhân nhiễm virus là hơn 12.000 người.

Trong 7 ngày qua, Đức ghi nhận hơn 500.000 ca xét nghiệm dương tính nCoV, tỷ lệ mắc mới lên tới 661 ca trên 100.000 người, theo Viện Robert Koch. Hơn 100 bệnh nhân được đưa vào các khu hồi sức tích cực mỗi ngày trong 7 tuần qua.

Trên toàn châu lục, tỷ lệ mắc mới trong 14 ngày tăng 28% so với hai tuần trước, lên 921 ca trên 100.000 người. Ca nhiễm ở người trên 65 tuổi tăng gần 32%, dù ca tử vong nói chung giảm ở hầu hết các quốc gia.





Một trạm xét nghiệm Covid-19 lưu động tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Một trạm xét nghiệm Covid-19 lưu động tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Các nhà khoa học dự đoán làn sóng lây nhiễm mới sẽ không khiến tỷ lệ tử vong tăng cao như trước khi triển khai vaccine. Tuy nhiên, họ lo ngại hệ thống y tế công cộng của châu lục không kịp chuẩn bị cho đợt dịch mùa thu đông. Nhiều chuyên gia dự đoán số ca nhiễm khi ấy có thể tăng gấp đôi so với hiện tại.

Tim Spector, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng dịch vụ y tế vào mùa thu”.

Các bác sĩ cho biết nhiều người đến khám bệnh khác, song xét nghiệm dương tính tại bệnh viện. Điều này gây thêm căng thẳng cho hệ thống y tế, các nhân viên làm việc quá sức.

“Nếu để bệnh nhân chờ hai tuần mới được phẫu thuật khối u, tôi nghĩ hệ thống y tế đang làm việc không hiệu quả”, Jan Rupp, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Schleswig-Holstein, nhận định.

Trước nguy cơ của đợt dịch mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi chính phủ các nước hành động sớm để ngăn chặn Covid-19 lây lan, đặc biệt trong thời điểm người dân đã mệt mỏi và không còn quan tâm đến đại dịch.

Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 tại WHO, cho biết: “Chúng ta vẫn đang quá tự mãn trước đại dịch. Khi đã có đủ công cụ hiệu quả, chúng ta cần tận dụng chúng để chống lại virus. Thiếu xét nghiệm, không giải trình tự gene, không có các biện pháp y tế công cộng, chúng ta đang đùa với lửa, vì virus vẫn tiếp tục phát triển”.

EU đã gia hạn áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19 vào cuối tháng trước, nhưng hầu hết các quốc gia bỏ yêu cầu kiểm tra và xét nghiệm âm tính đối với khách du lịch.

Bên cạnh đó, các nước thu thập ít dữ liệu hơn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) không còn phát các bản tin hàng ngày về Covid-19. Theo Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học tại WHO, chính phủ các nước cần thu thập nhiều dữ liệu hơn bởi điều này có thể giúp đưa ra các chính sách cho tương lai.

Thục Linh (Theo WSJ)

Trả lời