Lọc màng bụng, điều trị suy thận tại nhà Leave a comment

Lọc màng bụng là phương pháp giúp người bệnh suy thận duy trì sự sống nhưng không cần phải đến bệnh viện thường xuyên.

Lọc máu là phương pháp điều trị suy thận nặng, hỗ trợ thận làm các nhiệm vụ như lọc máu, lọc những chất chuyển hóa và nước điện giải, loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, giúp cân bằng nội môi. Bác sĩ CKII Ngô Đồng Dũng, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, hiện nay, có hai phương pháp lọc thận chính là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.

Trong chạy thận nhân tạo, máu được rút ra khỏi cơ thể người bệnh, đưa đến một máy thận nhân tạo, sau khi lọc xong sẽ trả về cơ thể. Đối với phương pháp lọc màng bụng hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc, chính màng bụng sẽ hoạt động như một máy lọc tự nhiên, thay thế cho thận đã suy yếu. Ở phương pháp này, một chất lỏng làm sạch vô trùng sẽ được đưa từ bên ngoài vào bụng người bệnh bằng ống thông. Sau khi quá trình lọc kết thúc, chất lỏng sẽ theo ống thông này rời khỏi cơ thể.





Quy trình lọc màng bụng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Quy trình lọc màng bụng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Dũng cho biết, so với lọc thận truyền thống, lọc màng bụng có một số ưu điểm như tính linh động, có thể thực hiện ở nhà, ở những nơi không có máy chạy thận nhân tạo, người bệnh không phụ thuộc vào máy móc; người bệnh không phải tới bệnh viện thường xuyên, chỉ tái khám hàng tháng, nhận dịch lọc và thuốc, sau đó thực hiện lọc tại nhà. Phương pháp phù hợp với nhiều đối tượng như người còn đi học, đi làm, người bệnh có huyết động không ổn định; lọc máu hiệu quả, giúp bảo tồn tốt thận; người bệnh ít bị mất máu, thiếu sắt; không cần sử dụng thuốc chống đông thường xuyên, giảm nguy cơ đột quỵ và xuất huyết tiêu hóa; ít hạn chế trong dinh dưỡng…





Bác sĩ CKII Ngô Đồng Dũng tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ CKII Ngô Đồng Dũng tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Theo Bác sĩ Dũng, tùy vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một trong ba phương pháp lọc màng bụng sau:

Lọc màng bụng cấp được chỉ định trong trường hợp suy thận cấp tính hay suy thận mạn tiến triển nặng, khi pH máu ≥ 7,2, kali máu ≥ 6,5mmol/l, ure máu ≥ 30mmol/l, quá tải thể tích tuần hoàn đe dọa phù phổi cấp… hoặc người bệnh không thể thực hiện chạy thận nhân tạo. Ở phương pháp này, 2 lít dịch lọc sẽ được đưa vào khoang màng bụng, mỗi 2 giờ, thay dịch lọc một lần. Bác sĩ sẽ thực hiện liên tục cho tới khi người bệnh hết rối loạn điện giải, nội môi được cân bằng, chức năng thận phục hồi.

Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD) và lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP) được chỉ định cho người suy thận mạn giai đoạn cuối có mức lọc cầu thận < 15ml/ph; người bệnh không thể thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc có chống chỉ định với chạy thận nhân tạo.

Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD) là phương pháp mà dịch lọc luôn nằm trong khoang bụng người bệnh. Dịch này được thay 4 lần trong ngày.

Lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP) được chia thành lọc liên tục chu kỳ, lọc cách quãng ban đêm, lọc màng bụng thủy triều. Theo đó, với lọc liên tục chu kỳ, một lượng dịch lọc sẽ được tích trong ổ bụng người bệnh vào ban ngày, dịch này sẽ được tháo ra trước khi bắt đầu chu kỳ lọc ban đêm; mỗi đêm sẽ lọc dịch 3 – 10 lần. Trong khi đó, lọc cách quãng ban đêm tương tự như lọc theo chu kỳ nhưng không có dịch lọc trong cơ thể người bệnh vào ban ngày; số chu kỳ lọc ban đêm được tăng lên để bù lại sự thiếu lưu dịch ban ngày. Lọc màng bụng thủy triều là phương thức dùng thể tích dịch đưa vào ban đầu sau đó dẫn lưu dịch một phần trong các khoảng nghỉ chu kỳ.

Phi Hồng

Trả lời