Lợi ích sinh thường cho mẹ và bé Leave a comment

Nhiều thai phụ lo sợ sinh thường vì cơn đau chuyển dạ, song bác sĩ khuyến khích nên sinh thường để mẹ và bé giảm các biến chứng sau sinh; tư vấn biện pháp “sinh không đau”.

Sinh thường mang lại nhiều lợi ích

Theo BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, có hai phương pháp sinh là sinh ngả âm đạo (sinh thường) và mổ lấy thai (sinh mổ). Tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam và thế giới đang tăng cao. Tỷ lệ này ở nước ta hiện nay khoảng 40-50 %, một số nơi có thể lên đến 60-70%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích thai phụ nên sinh thường, giảm tỷ lệ sinh mổ dưới 15%.

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, sinh thường hay sinh mổ cần có ý kiến của các bác sĩ Sản khoa sau khi đã thăm khám và đánh giá. Sản phụ và gia đình không nên xuất phát từ ý muốn chủ quan của người mẹ, của gia đình như sợ đau khi sinh, chọn ngày lành tháng tốt để con ra đời, chọn để hợp tuổi cha mẹ, hợp với việc phát đạt kinh doạnh của gia đình… mà chọn lựa sinh mổ. Bởi lẽ so với sinh mổ thì sinh thường mang đến nhiều lợi ích cho mẹ và bé, giảm thiểu rủi ro biến do quá trình phẫu thuật mang lại.





Sản phụ nhanh chóng phục hồi sau sinh thường tại Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Thanh Thúy

Sản phụ nhanh chóng phục hồi sau sinh thường tại Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Thanh Thúy

Người mẹ sinh thường có thể bình phục nhanh hơn sinh mổ. Trong khoảng 24-48 giờ sữa mẹ đã có thể về sớm hơn, không bị biến chứng của nhiễm trùng hậu phẫu, không bị các biến chứng nghiêm trọng liên quan sẹo mổ lấy thai trong thai kỳ tiếp theo (như thai bám vào sẹo mổ lấy thai, nhau cài răng lược vào sẹo mổ lấy thai, vỡ tử cung…). Mặt khác, em bé sinh qua ngả âm đạo được hưởng lợi rất nhiều liên quan đến hệ hô hấp, ống âm đạo co thắt giúp bé có thể tống xuất các chất tiết dịch mũi, hầu họng ra ngoài một các tự nhiên; tiếp cận được với hệ vi sinh có lợi sẵn có trong âm đạo mẹ nên sẽ có sức đề kháng tốt hơn trẻ sinh mổ.

Trong khi đó, dù sinh mổ giúp cuộc “vượt cạn” diễn ra dễ dàng, ít đau hơn, tuy nhiên, sản phụ có thể đối diện với nhiều nguy cơ như: chảy máu, nhiễm trùng, tụ dịch vết mổ, làm tăng tỷ lệ nhau cài răng lược, cơ hội sinh thường ở lần sau cũng sẽ hạn chế…

Bác sĩ Mỹ Nhi nhận định, hiện nay, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh mổ gia tăng, như mẹ đã có mổ lấy thai một lần thì lần sau cơ hội sinh thường ngả âm đạo rất thấp. Thực tế, các thai phụ không phải chỉ sinh mổ 2 lần mà có thể 3 lần 4 lần. Nếu đã có 2 lần mổ lấy thai trước đó thì lần có thai sau đó sẽ bắt buộc phải mổ lại.

Sinh mổ xảy ra khi mẹ mắc bệnh lý tiền sản giật nặng cần phải cho sinh sớm nhưng chuyển dạ xảy ra lại khó khăn và đình trệ, khung xương chậu hẹp, thai chậm tăng trưởng nặng trong tử cung. Thai quá lớn liên quan các bà mẹ bị đái tháo đường không đi khám thai và không được kiểm soát đường huyết tốt, mẹ mắc các bệnh lý van tim có suy tim, nhau cài răng lược trên các thai phụ có sẹo mổ trên tử cung trước đó cũng sẽ sinh mổ.

“Nếu người mẹ sinh mổ con đầu lòng thì ở lần sinh sau cơ hội sinh thường rất thấp và có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng do có sẹo mổ trên tử cung trước đó”, bác sĩ Mỹ Nhi nói.

Về việc siêu âm có ghi nhận em bé bị dây rốn quấn nhiều vòng cổ, các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định sinh mổ hay sinh thường. Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, dây rốn quấn cổ thai nhi nhiều vòng, thậm chí 4-5 vòng, thai phụ vẫn có cơ hội sinh thường nếu diễn tiến chuyển dạ không có bất thường, biểu đồ theo dõi tim thai không có dấu hiệu đe doạ thai. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, các bác sĩ đã từng đỡ sinh thường ngả âm đạo cho các thai phụ có thai nhi bị dây rốn quấn cổ, các sơ sinh này chào đời an toàn, có ca bé có dây rốn quấn cổ 4 vòng.

Chị Thu Hiền (ngụ TP HCM) chia sẻ, sinh thường bé đầu 3,4 kg; hiện chị mang thai bé thứ 2 ở tuần 38 và cân nặng ước lượng khoảng 3,7 – 3,9 kg. Chị cho biết bác sĩ khám thai khuyên theo dõi để sinh thường nhưng chị lo lắng vì bé to, sợ sinh thường không được phải chuyển sang mổ thì bị đau hai lần. Theo bác sĩ Mỹ Nhi, nếu một em bé 3 kg đi ngang qua khung chậu người mẹ để sinh thường được thì khung chậu đó được xem là bình thường rộng rãi, không bị hẹp hay giới hạn. Cân nặng của bé hiện tại ước lượng khoảng 3,7 – 3,9 kg vẫn có thể tiếp tục theo dõi thai định kỳ. Khi đến thời điểm thai trưởng thành (39 – 40 tuần), nếu xảy ra chuyển dạ trước thời điểm 39 tuần, khi đó tùy diễn tiến chuyển dạ và cân nặng của bé, các bác sĩ sẽ có hướng sinh thường hay sinh mổ cho thai phụ.





BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi đỡ sinh thành công cho sản phụ sinh mổ. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi đỡ sinh thành công cho sản phụ sinh mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Phương pháp giảm đau cho thai phụ khi sinh

Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, không ít thai phụ lo sợ sinh thường vì cơn đau đẻ. Chính cơn gò tử cung là nguyên nhân gây ra cơn đau cho thai phụ. Ngưỡng đau của mỗi người khác nhau nên nhiều chị em có thai có ngưỡng cảm nhận đau thấp, cảm thấy không thể chịu đựng nổi cơn đau chuyển dạ. Chị em có thể vận động nhẹ nhàng như đi bộ trước khi sinh để tăng tiết các chất làm giảm đau, biết cách kiểm soát thông qua các bài tập thở, yoga… Hiện nay có nhiều phương pháp giảm đau, giúp cho cuộc sinh diễn ra nhẹ nhàng, thuận lợi, giúp làm tăng tỷ lệ sinh thường, giảm tỷ lệ sinh mổ.

Gây tê ngoài màng cứng để giảm đau cho người mẹ khi bị các cơn co thắt tử cung gây đau đớn trong quá trình chuyển dạ. Phương pháp này được lựa chọn nhiều nhất trên thế giới (hơn 50% sản phụ). Thai phụ sẽ được cung cấp thông tin về quy trình kỹ thuật làm giảm đau, có thể điều chỉnh lượng thuốc tê phù hợp với tình trạng, mức độ đau…

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, gây tê ngoài màng cứng không làm tăng tỷ lệ sinh mổ vì chỉ cung cấp một phương thức để giảm đau, không ảnh hưởng đến cuộc chuyển dạ. Thông thường thai phụ phải sinh mổ vì các lý do lien quan sản khoa hơn là do gây tê giảm đau. Một nghiên cứu cho thấy, khi gây tê ngoài màng cứng có khoảng 14% người mẹ phải sinh bằng dụng cụ, trong khi không dùng phương pháp này thì cũng khoảng 10%.





Nhiều thai phụ cho biết, bản thân an tâm khi chọn BVĐK Tâm Anh để theo dõi thai và sinh nở. Ảnh: Quỳnh Thơ

Nhiều thai phụ cho biết, bản thân an tâm khi chọn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để theo dõi thai và sinh nở. Ảnh: Quỳnh Thơ

Hiện có nhiều thắc mắc về việc gây tê ngoài màng cứng có khiến sản phụ đau lưng sau này. Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, đau lưng do gây tê ngoài màng cứng chỉ khoảng vài ngày chứ không kéo dài. Sau sinh, các sản phụ đau lưng có thể căng giãn hệ thống các dây chằng nâng đỡ vùng dưới thắt lưng, do tư thế nằm, do nằm nhiều ít vận động sau sinh… Thuốc gây tê, gây mê sau 12- 24 giờ gần như đã đào thải hết, không còn tác dụng nên không gây ngứa sau này như một số các chị em sau sinh thường thắc mắc.

Nhiều sản phụ thường lo lắng khi tiêm mũi thuốc giúp “sinh không đau” thì không còn cảm giác để rặn con, bé bị ngộp khi đó phải chuyển qua sinh mổ. Tuy nhiên, nếu thai phụ đau quá nhiều trong chuyển dạ sẽ khó có thể làm theo hoàn toàn được các hướng dẫn của bác sĩ để sinh con.

“Cơ thể khi bị đau sẽ có xu hướng gồng cứng lăn lộn tìm kiếm các giải thoát cơn đau, khi đó cổ tử cung càng bị phù nề xiết lại, mở chậm hơn hoặc không mở tiếp được, làm tăng nguy cơ bị chuyển mổ vỉ cổ tử cung không tiến triển cho cuộc sinh. Tiêm thuốc giúp giảm đau sản khoa đã giúp thai phụ giảm hoàn toàn cơn đau nhưng vẫn còn cảm giác cứng bụng, mắc cầu, mắc rặn sinh. Thai phụ có tâm lý thoải mái thì cuộc sinh diễn ra thuận lợi và an toàn hơn”, bác sĩ Mỹ Nhi phân tích.

Thai phụ khi mổ xong có thể được các bác sĩ khâu vết thương bằng chỉ tự tiêu, được dán kín vết thương bằng keo sinh học giúp hạn chế biến chứng của vết mổ và sản phụ không cần thay băng hàng ngày, tắm gội không lo sợ nước làm ướt vết thương… Tuy nhiên, với trường hợp vết mổ có yếu tố nguy cơ bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ không áp dụng dán keo sinh học này.

Ngọc An

Để lại một bình luận