Lưu ý khi dùng thuốc ở bệnh nhân COPD Leave a comment

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) giai đoạn nặng hoặc tiến triển tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc giảm ho, thuốc an thần.

Ở bệnh nhân COPD, một trong những triệu chứng phổ biến là ho, khò khè kèm theo đờm. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ho là hoạt động có lợi của cơ thể, giúp đẩy các chất dịch tiết bẩn trong đường thở ra ngoài. Việc dùng các loại thuốc giảm ho sẽ khiến các chất dịch tiết bị ứ đọng, càng làm nặng thêm tình trạng tắc nghẽn đường thở, do đó hiệu quả điều trị bệnh có thể giảm đi đáng kể.

Việc sử dụng thuốc giảm ho cũng không được khuyến cáo ở những bệnh nhân bỏ thuốc lá giai đoạn đầu. Những người này thường bị ho nhiều do sự kích thích phế quản vẫn tồn tại thời gian đầu, nhưng sẽ hết sau thời gian đủ dài ngừng hút thuốc.

Khi COPD bước vào giai đoạn nặng hoặc đang tiến triển, một số bệnh nhân gặp tình trạng ho nhiều, cảm giác ngạt thở vào ban đêm, tỉnh dậy nhiều lần, trằn trọc khó ngủ, dẫn đến việc sử dụng thuốc ngủ hoặc thuốc an thần. Tuy nhiên, theo phó giáo sư Hạnh việc này nguy hiểm. “Thuốc ngủ, thuốc an thần sẽ làm ức chế hoạt động của trung tâm hô hấp, giảm phản xạ kích hoạt các hoạt động hô hấp, do vậy dễ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Một số trường hợp có thể gây ngừng thở hoàn toàn”, Phó giáo sư Hạnh cảnh báo.





Phó giáo sư Chu Thị Hạnh tư vấn cho một bệnh nhân COPD. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Phó giáo sư Chu Thị Hạnh tư vấn cho một bệnh nhân COPD. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Một số thuốc điều trị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc glaucome (các thuốc nhỏ mắt) cũng cần thận trọng khi sử dụng. Ví dụ thuốc ức chế bêta giao cảm không chọn lọc có thể làm co thắt đường thở, làm nặng thêm tình trạng khó thở. Thuốc ức chế thụ thể angiotensin giúp hạ huyết áp nhưng đồng thời cũng có thể gây ho, gây “nhiễu” trong việc theo dõi, đánh giá độ nặng, nhẹ và mức độ đáp ứng điều trị. Do đó những loại thuốc này trước khi sử dụng cần sự đánh giá kỹ lưỡng của bác sĩ. Nếu người bệnh mắc đồng thời COPD và các vấn đề tim mạch, nên có sự phối hợp chuyên khoa giữa bác sĩ hô hấp, tim mạch để thống nhất một phác đồ điều trị tối ưu.

COPD có cần điều trị với kháng sinh, corticoid?

Theo phó giáo sư Chu Thị Hạnh, kháng sinh sẽ được chỉ định trong trường hợp xuất hiện đợt cấp COPD do nhiễm khuẩn. Đợt cấp do bội nhiễm xuất hiện khi có các biểu hiện như sốt, ho, khạc đờm tăng, đờm thay đổi màu sắc, đờm vàng, đờm mủ…

Tuy nhiên có 40% trường hợp đợt cấp xảy ra mà nguyên nhân không phải do nhiễm khuẩn, mà là do nhiễm virus, tràn khí màng phổi, tắc mạch máu phổi, suy tim, dùng thuốc an thần, bỏ thuốc điều trị… Những trường hợp này việc điều trị kháng sinh là không cần thiết vì không có tác dụng.

Corticoid là thuốc kháng viêm hiệu quả được chỉ định dùng cho những người có COPD hoặc hen phế quản. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và chương trình quản lý COPD toàn cầu, corticoid dạng hít (thuốc hít, xịt hoặc khí dung) được khuyến cáo sử dụng lâu dài cho nhóm bệnh nhân COPD có nhiều đợt cấp mặc dù đã được điều trị tối ưu với các thuốc giãn phế quản, bệnh nhân có hen phế quản chồng lấp, có bạch cầu ái toan trong máu cao (>300 tế bào/mcl). Corticoid đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch chỉ nên dùng khi bệnh nhân COPD có đợt cấp trung bình đến nặng phải nhập viện.

Phó giáo sư Hạnh khuyến cáo không nên dùng corticoid đường uống hoặc tiêm truyền kéo dài vì có thể gây nhiều tác dụng phụ như tiểu đường, tăng huyết áp, loãng xương, loét dạ dày tá tràng…





Bệnh nhân COPD cần tuân thủ lịch khám định kỳ để đánh giá mức độ tiến triển của bệnh. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bệnh nhân COPD cần tuân thủ lịch khám định kỳ để đánh giá mức độ tiến triển của bệnh. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

COPD là một trong những bệnh nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng lên sức khỏe. Bệnh hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị dứt điểm, các loại thuốc sử dụng chỉ có thể cải thiện tình trạng bệnh lý, giúp ngăn ngừa các đợt cấp tính trên nền của bệnh COPD, các biến chứng xảy ra.

Theo Phó giáo sư Hạnh, hiện nay việc điều trị cho bệnh nhân COPD có nhiều tiến bộ, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn. Điều này đòi hỏi việc điều trị diễn ra thường xuyên, kéo dài. Do đó phó giáo sư Hạnh nhấn mạnh, sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Tuân thủ điều trị tốt, không bỏ thuốc hoặc gián đoạn điều trị, không tự ý dùng thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bệnh ổn định, giảm các đợt cấp và số lần nhập viện. Đa số người bệnh thường thấy khỏe mạnh hơn, chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn so với thời điểm đến khám.

Hoài Phạm

Trả lời

1.2891