Lưu ý khi phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ Leave a comment

Phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ cần được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao, tại bệnh viện có chuyên khoa sâu về tai mũi họng.

Phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ là phẫu thuật tinh vi, có thể giúp màng nhĩ lành kín và cải thiện một phần chức năng thính lực.

Theo BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, phẫu thuật vá màng nhĩ được chỉ định cho các bệnh nhân lỗ thủng màng nhĩ đơn thuần, đã điều trị tai khô hết đợt nhiễm trùng. Phẫu thuật này không thực hiện với người có viêm tai xương chũm nặng hoặc có hủy xương trong tai nghi ngờ bệnh lý cholesteatoma.

Trước khi mổ nội soi vá màng nhĩ, người bệnh nên nói cho bác sĩ biết bạn đang sử dụng các loại thuốc và chất bổ sung nào (nếu có); có bị dị ứng với thuốc hoặc bất kỳ yếu tố nào hay không.

Nếu cảm thấy sức khỏe có vấn đề, bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ để được hoãn lại cuộc phẫu thuật. Bạn cần nhịn ăn và uống sau nửa đêm (vào đêm trước khi phẫu thuật). Nếu cần dùng thuốc vào sáng phẫu thuật, bạn có thể uống thuốc với một ngụm nước nhỏ.





Hình ảnh mô tả màng nhĩ của tai người. Ảnh: Shutterstock

Hình ảnh mô tả màng nhĩ của tai người. Ảnh: Shutterstock

Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ đặt merocel tai (vật liệu mềm tương tự như miếng xốp) vào ống tai để cố định tai mổ và sẽ lấy khỏi tai sau một tuần và cắt chỉ ở vị trí lấy mảnh vá vùng da sau tai ngay đường chân tóc. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể dùng thuốc dạng dung dịch để nhỏ vào tai để phòng ngừa nhiễm trùng. Bác sĩ cũng khuyên người bệnh ngăn nước vào tai trong quá trình hồi phục; tránh bơi lội và cần đội mũ tắm để chống nước khi tắm; không mở bông nút tai hoặc xì mũi. Nếu muốn hắt hơi, bệnh nhân nên mở miệng để không gây tăng áp lực lên tai.

Người đã vá màng nhĩ nên tránh đến nơi đông người cũng như tiếp xúc với người bệnh bởi vì nếu bị cảm lạnh sau khi phẫu thuật rất dễ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.





Sau khi phẫu thuật, cho đến khi tai chưa hồi phục hoàn toàn, người bệnh cần tránh để nước vô tai và không được bơi lội. Ảnh: Shutterstock

Sau khi phẫu thuật, cho đến khi tai chưa hồi phục hoàn toàn, người bệnh cần tránh để nước vô tai và không được bơi lội. Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ Hằng, phương pháp phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ cho bác sĩ tầm nhìn rộng hơn, khả năng hình ảnh nâng cao và tăng độ phóng đại cũng như xem được các phần khó nhìn thấy trong tai giữa. Điều này giúp bác sĩ phẫu thuật tăng hiệu quả vá nhĩ và cũng ít xâm lấn, vết thương mau lành hơn so với phẫu thuật mổ mở.

Bên cạnh các ưu điểm, phương pháp vá màng nhĩ nội soi cũng có những hạn chế nhất định là cần bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm mổ nội soi. Ánh sáng từ máy nội soi cũng có thể gây bỏng nhiệt nếu bác sĩ phẫu thuật thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra, nếu phẫu thuật bị chảy máu nhiều thì việc quan sát hình ảnh sẽ rất khó khăn.

Bác sĩ Hằng cho biết, các biến chứng từ phẫu thuật vá màng nhĩ rất hiếm nhưng là tổn thương dây thần kinh mặt hoặc dây thần kinh kiểm soát một phần vị giác; tổn thương xương của tai giữa, gây ảnh hưởng thính lực; chảy máu vết mổ; chóng mặt thoáng qua. Người bệnh nên làm phẫu thuật tại các bệnh viện uy tín, có chuyên khoa sâu về tai, được trang bị thiết bị hiện đại và bác sĩ giỏi chuyên môn để đạt được hiệu quả phẫu thuật tốt nhất.

Nguyên Phương

Trả lời

1.4473