Mất 60 triệu đồng tiêm filler ‘chữa’ chân vòng kiềng Leave a comment

Hà NộiTin lời quảng cáo của một thẩm mỹ viện là “tiêm filler giúp thẳng chân”, người phụ nữ 47 tuổi áp dụng, sau đó bị biến chứng nặng, đau nhức, sưng đỏ và áp xe bắp chân.

Sáng 6/5, bệnh nhân đến Bệnh viện da liễu Trung ương khám và tiếp tục điều trị những biến chứng. Chị cho biết cách đây một tháng đã thực hiện liệu pháp tiêm collagen tươi với mục đích trẻ hóa đôi chân, giúp chân thẳng hơn, chi phí cho gói này 60 triệu đồng. Nhân viên thẩm mỹ giới thiệu “đây là collagen tươi” với thành phần HA (Hyaluronic acid) có nguồn gốc Thụy Sĩ để tạo mô vùng chân, giúp chân thẳng, đẹp, bảo hành 20 năm.

Ngay sau khi tiêm, chị cảm giác khó chịu, đau tức vùng bắp chân. Nhân viên thẩm mỹ giải thích do tác dụng của thuốc tê và sẽ hết sau vài ngày. Đến đêm, bắp chân chị sưng to, đau nhức, đỏ tấy, căng tức vùng bắp chân, không đi nổi. Chị trở lại cơ sở thẩm mỹ được hỗ trợ liệu pháp giảm đau nhưng tình trạng đau, sưng tấy vẫn không giảm, chị đến bệnh viện da liễu Trung ương khám.

Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết người bệnh đến khám sau 10 ngày tiêm chất làm thẳng chân nhưng không rõ đó là chất liệu gì. Hình ảnh siêu âm bên chân có tiêm hai ml filler xuất hiện ổ áp xe; bên còn lại được tiêm một ml thì đang dần hình thành ổ áp xe. Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh chống viêm, giảm đau…. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định hơn, tiếp tục theo dõi.

“Đây trường hợp hy hữu lần đầu tôi gặp và y văn chưa từng thấy có chỉ định tiêm thẳng chân bằng filler hay collagen tươi”, bác sĩ Hà nói.

Thông thường, filler thường tiêm vào da giúp làn da căng mịn hơn hoặc tiêm nâng mũi, tạo má baby, làm đầy môi. Còn bệnh nhân bị cong chân hay chân vòng kiềng liên quan đến xương thì không thể khắc phục bằng tiêm chất làm đầy. Nếu bắp chân to có thể tiêm các chất botox để làm thon gọn.

Theo bác sĩ Hà, bệnh nhân này may mắn phát hiện kịp thời nên không để lại hệ lụy. Tuy nhiên, các ca điều trị muộn, khi ổ áp xe sẽ lan rộng có thể phá hủy mô gây sẹo lồi lõm hoặc nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong.





Hình ảnh chân bệnh nhân sưng phồng, nổi cục nghi do tiêm filler không an toàn. Ảnh: Dương Hải

Hình ảnh chân bệnh nhân sưng phồng, nổi cục nghi do tiêm filler không an toàn. Ảnh: Dương Hải

Gần đây, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Bệnh viện Da liễu Trung ương và nhiều bệnh viện lớn trên cả nước liên tiếp tiếp nhận các trường hợp tai biến sau tiêm filler. Nhiều ca hoại tử, mù mắt, biến chứng nặng nề và hầu hết đều thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép, dùng chất liệu filler trôi nổi, không rõ nguồn gốc… Nhóm người gặp tai biến thường ở tuổi trung niên, gia đình có điều kiện. Trong khi đó, các năm trước, bệnh viện chủ yếu tiếp nhận phụ nữ trẻ tuổi, không có điều kiện kinh tế hoặc làm đẹp giá rẻ.

Hiện nay, thẩm mỹ bằng filler ngày càng chiếm ưu thế nhờ kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài, không phải trải qua phẫu thuật song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Bác sĩ khuyến cáo người có nhu cầu thẩm mỹ cần tỉnh táo lựa chọn cơ sở làm đẹp và có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Các thủ thuật ở vùng mặt như tiêm filler, nâng mũi, phẫu thuật thẩm mỹ… cần thực hiện ở phòng khám được cấp giấy phép, người phẫu thuật phải có chứng chỉ hành nghề, các chất làm đầy như filler, botox phải được Bộ Y tế cấp phép.

Thùy An

Trả lời