Mất chức năng thận do tự dùng thuốc nam Leave a comment

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, ngày 31/5 cho biết bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, tiểu đục kèm đau tức vùng bụng trái. Người bệnh được chẩn đoán ứ mủ thận do sỏi san hô hai bên thận.

Bác sĩ nhận định, với trường hợp này, bệnh sỏi thận để lâu không điều trị đúng cách khiến hai quả thận mất chức năng hoàn toàn, chỉ định phải ghép thận.

Một trường hợp khác có triệu chứng đau vùng lưng hai bên vào thời điểm Covid-19 bùng phát tại Hà Nội khoảng vài tháng trước. Bệnh nhân tự dùng thuốc nam điều trị tại nhà, tới khi sốt cao, đau nhiều, có phù toàn thân, anh mới vào viện khám. Bác sĩ chẩn đoán suy thận cấp do sỏi niệu quản hai bên, được chỉ định mổ cấp cứu nhưng khả năng phục hồi chức năng của hai thận rất kém.

Ông Liên cho biết tâm lý lo ngại phải đi viện khiến nhiều bệnh nhân bị bệnh lý sỏi thận tự ý uống thuốc nam điều trị, khiến bệnh nặng thêm.





Sỏi của một bệnh nhân được lấy ra tại Bệnh viện E. Ảnh: Trang Ngọc

Sỏi của một bệnh nhân được lấy ra tại Bệnh viện E. Ảnh: Trang Ngọc

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận như dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu, thay đổi pH nước tiểu, cường tuyến cận giáp… Các yếu tố như cơ địa, tiền sử gia đình, chuyển hoá, môi trường lao động, nhiễm trùng cũng gây sỏi thận. Ngoài ra, chế độ ăn quá mặn, lười uống nước, lười vận động gây ra ứ đọng nước tiểu là những yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh.

Bác sĩ lý giải, quả thận như một nhà máy lọc nước, khi có quá nhiều chất cặn bã, thận không thể lọc hết và đào thải ra ngoài, từ đó gây ra hiện tượng lắng đọng kết tinh các chất vô cơ, tạo thành sỏi. Do vậy, một số người ăn quá nhiều thực phẩm có chứa oxalate, canxi… sẽ là đối tượng có nguy cơ cao hình thành sỏi thận, sỏi tiết niệu. Ở một số vùng quê, người dân dùng nước cứng (nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, chủ yếu là hai ion canxi và magie) cũng có khả năng hình thành sỏi cao hơn.

Triệu chứng điển hình của sỏi thận là đau vùng hông lưng. Khi sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây ra cơn đau quặn thắt, đau đột ngột lan ra sau lưng và lan xuống vùng hông, tiểu lắt nhắt rất khó chịu.

Để thận hoạt động tốt, cần có chế độ ăn bảo vệ bộ phận này, gồm: tránh những thức ăn có tồn dư chất hóa học, chất bảo quản không được cho phép và tránh ăn quá nhiều thịt; nên uống đủ khoảng hai lít nước mỗi ngày. Với người lớn tuổi bị rối loạn tiểu tiện, cần phải uống nước và đi tiểu đúng giờ. Người trẻ cần uống theo thể trạng cơ thể; khi tập thể thao nên bổ sung thêm các chất điện giải. Những người đi khám phát hiện sỏi nhỏ nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao.

Bác sĩ khuyến cáo khi bị sỏi thận, bệnh nhân nên tin tưởng vào y học hiện đại và thầy thuốc. Hiện nay, can thiệp mổ sỏi thận rất nhẹ nhàng với phương pháp tán sỏi qua da. Sau can thiệp, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền có tác dụng đào thải sỏi, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tránh sỏi tái phát sớm sau mổ. Bệnh nhân cần khám định kỳ vì tỷ lệ tái phát sỏi khá cao.

Trả lời