Mất nước ảnh hưởng đến chức năng não của trẻ Leave a comment

Trẻ bị mất nước dễ giảm khả năng tập trung, cáu gắt, trí nhớ kém, đau đầu, mệt mỏi.

Các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, nước có tác động vật lý đến cơ thể con người. Ngày nay, nước còn được chứng minh có ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần ở người lớn lẫn trẻ em.

Nghiên cứu mất nước ảnh hưởng đến tâm trạng và nhận thức do Khoa Tâm lý, Đại học Wales Swansea (Anh) thực hiện trên trẻ từ 7-9 tuổi trong môi trường trường học. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, khả năng hấp thụ nước kém có liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Trẻ có dấu hiệu mất nước thường hay lo lắng, tâm trạng chán nản, khó tập trung vào công việc học tập, mệt mỏi, nhức đầu. Mất nước thường xuyên còn khiến bé trẻ giảm khả năng chú ý, trí nhớ ngắn hạn hoặc kém.

Ngoài trẻ em, nghiên cứu tiến hành tại Đại học Connecticut (Mỹ) cho thấy, tình trạng mất nước ở mức độ nhẹ cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của thanh niên, khiến họ tăng cảm giác căng thẳng, lo lắng, đau đầu, mệt mỏi, khó tập trung. Mất nước, chức năng não, tâm trạng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Trẻ em bị mất nước do hoạt động nhiều. Tỷ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên khối lượng của trẻ cao nên khi đổ mồ hôi, đi tiểu trẻ cũng bị mất nước nhiều hơn so với người lớn. Trẻ chưa ý thức được việc bổ sung nước trong hoạt động hằng ngày, dù nước có sẵn trước mặt trẻ cũng dễ bỏ qua. Việc không có thói quen uống nước cũng khiến bé dễ rơi vào tình trạng mất nước.





Bổ sung nước liên tục cho trẻ để tránh mất nước. Ảnh: Freepik

Bổ sung nước liên tục cho trẻ để tránh mất nước. Ảnh: Freepik

Dấu hiệu trẻ mất nước

Khi trẻ thấy khát hoặc đòi uống nước, có thể chúng bị mất nước. Theo Very Well Family, cơ chế khát nước được kích hoạt khi lượng nước cung cấp vào cơ thể thấp hơn so với lượng nước cần thiết để trẻ hoạt động. Trẻ mất nước còn biểu hiện qua các dấu hiệu như da khô, mệt mỏi, miệng khô hoặc dính, đau đầu, khát nước, nước tiểu sẫm màu hơn vàng nhạt, lú lẫn hoặc cáu kỉnh, mắt trũng, tim đập nhanh, khóc không ra nước mắt… Cha mẹ nên chú ý bổ sung nước cho con trước khi con thấy khát.

Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, liều lượng nước khuyến nghị hàng ngày cho trẻ em sống ở vùng khí hậu ôn đới như sau:

STT Độ tuổi Giới tính Tổng lượng nước (ly/ngày)
1 4-8 tuổi Cả bé trai lẫn bé gái 7
2 9-13 tuổi Bé gái 9
3 9-13 tuổi Bé trai 10
4 14-18 tuổi Bé gái 10
5 14-18 tuổi Bé trai 14

Các chuyên gia lưu ý, lượng nước khuyến cáo bao gồm nước uống thông thường, nước trong các loại trái cây, nước hoa quả trẻ tiêu thụ hằng ngày. Đối với trẻ tham gia hoạt động thể chất nhiều, phụ huynh nên cân nhắc bổ sung nhiều nước hơn so với khuyến nghị, tùy vào mức độ mất nước của bé. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyên các bậc cha mẹ nên tránh cho trẻ dùng đồ uống có chứa chất làm ngọt nhân tạo, caffeine.

Để giúp trẻ luôn duy trì đủ lượng nước cần thiết, cha mẹ nên giảm thiểu các hoạt động gây mất nước, nhất là vào những ngày nắng nóng. Người lớn lên một lịch trình đơn giản để giúp trẻ nhớ uống nước thường xuyên. Ngoài ra, phụ huynh có thể làm cho nước hấp dẫn hơn bằng cách thêm hương vị, màu sắc, thêm các loại quả mọng như dưa hấu, dứa, dưa chuột, chanh… Cha mẹ làm gương cho trẻ bằng cách uống nước thường xuyên hơn, lý giải cho chúng hiểu về tầm quan trọng của nước.

Hà Phượng (Theo Very Well Family)

Trả lời