Mẹ bầu tập gym giữ dáng Leave a comment

Hà NộiKết thúc buổi tập, Lê Thu Trang vẫn nán lại trong phòng, ngắm từng đường nét cơ thể, mỉm cười vì vẫn giữ được vóc dáng gọn gàng dù gần đến ngày sinh.

“Hầu như ngày nào tôi cũng ngắm mình trong gương, trái phải trước sau xem cơ thể có thay đổi gì. Trộm vía là ngoài ‘bụng vượt mặt’ thì chỉ tăng 8 kg dù đang ở tháng cuối thai kỳ”, Trang chia sẻ. Cô lấy điện thoại, mở lại bức ảnh trước khi mang thai, khoe vòng eo con kiến. Trang cao 1,65 m, nặng 55 kg, thường xuyên mặc chiếc váy với thiết kế bó sát cơ thể để tôn lên thân hình thon thả và số đo ba vòng 87-62-96 cm.

Thu Trang 29 tuổi, bén duyên với thể hình từ năm 2013, hiện là huấn luyện viên tự do tại Hà Nội. Ngoài thời gian đi dạy, cô dành 4 đến 5 buổi một tuần để tập gym. Cuối tuần, cô đi xe đạp hoặc đi bộ từ 5 đến 10 km để cơ thể khỏe mạnh, tăng sức bền. Sau khi có thai, Trang vẫn duy trì tập luyện, nói đây là bí quyết vàng để giữ gìn sức khỏe và ổn định vóc dáng trong suốt cả thai kỳ.





Ở tháng cuối thai kỳ, Trang vẫn duy trì tập luyện đều đặn từ 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh, giữ gìn vóc dáng, tránh tăng cân nhanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở tháng cuối thai kỳ, Trang vẫn duy trì tập luyện đều đặn từ 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh, giữ gìn vóc dáng, tránh tăng cân nhanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trang kể, việc mang thai trong thời gian này nằm ngoài kế hoạch, từ đó ít nhiều xáo trộn cuộc sống của cô. Để cân bằng, nữ huấn luyện viên tự soạn một giáo trình tập luyện riêng cho thai kỳ.

“9 năm gắn bó với gym, mình đã giảng dạy nhiều lứa học viên là mẹ bầu nên có kinh nghiệm tập luyện khoa học, con khỏe mà mẹ vẫn đẹp”, Trang nói.

Đầu tiên, Trang giảm cường độ tập luyện, nhất là trong ba tháng đầu. Với cô, đây là quãng thời gian dài và mệt mỏi nhất, khi cơ thể đang làm quen với thay đổi mới. Nhiều người khuyên cô không nên vận động hay không ngồi xổm hoặc không được nhón chân, vì ảnh hưởng đến thai. Tuy nhiên, Trang đọc sách, tham khảo bác sĩ, biết được “chỉ người tử cung yếu, tiền sử sẩy thai, sức khỏe yếu, tiền sử khó sinh,… cần chú ý”, còn người khỏe mạnh có thể tập luyện nhẹ nhàng. Cô tập thêm yoga, ưu tiên bài tập vùng xương chậu và cổ vai gáy để giảm tình trạng đau nhức, mỏi do mang thai.

Ba tháng tiếp theo, Trang quay lại tập luyện như bình thường, chỉ hạn chế nhảy, đạp xe hay gập bụng, hít đất. Cô đi bộ 30 phút buổi tối và tập hít thở đều đặn để cơ thể không bị nặng nề. Trang vẫn tập tạ để cơ thể được săn chắc, song giảm từ tạ 80 kg về còn khoảng 20 đến 25 kg.

Khi tập, mẹ bầu lựa chọn quần áo có độ co giãn vừa thoải mái nhưng vẫn khoe được đường cong cơ thể, tăng cảm hứng tập luyện. Trước khi tập, Trang khởi động 30 phút để làm nóng và giãn cơ sau tập để giảm đau, căng cơ, uống nhiều nước và không tập quá sức.

“Giáo án này không áp dụng với tất cả. Nếu bạn là người không có thói quen tập thể dục hoặc chỉ bắt đầu tập khi có thai thì nên bắt đầu chậm hơn và tăng dần mỗi ngày”, Trang nói.

Ngoài tập luyện, Trang xây dựng chế độ dinh dưỡng sạch, đủ chất và khắt khe. Cô bỏ hoàn toàn cà phê, thay bằng nước lọc, nước hoa quả và tuyệt đối không ăn đồ ngọt như trà sữa, chè, bánh ngọt,… “Hơn 8 tháng không dùng đồ ngọt, mình cũng quên mất hương vị nó thế nào”, Trang đùa. Cô chuyển sang ăn tinh bột chậm, nguyên cám như gạo lứt, bún lứt, yến mạch để no lâu hơn và cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể.

Trong ba tháng đầu, cô bổ sung nhiều món ăn có DHA, axit folic trong cá, rau củ quả, trứng… Khi chán ăn, cô chia nhỏ bữa, bổ sung nhiều hoa quả để tăng khẩu vị. Ba tháng giữa, em bé ổn định, Trang bổ sung canxi từ hải sản, uống sữa không đường để giảm tối đa lượng đường nạp vào cơ thể. Gần đây, em bé phát triển hoàn thiện, cô vẫn cắt giảm đồ ngọt, hạn chế loại quả như mít, sầu riêng, nước mía, nước có gas. Ngoài ra, nữ huấn luyện viên không ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ dầu mỡ để tránh tình trạng phù và biến dạng mặt.

“Mọi người thường nói ăn nhiều tốt cho con, nhưng tốt đâu chưa thấy chỉ thấy mẹ sồ sề, tiểu đường, tăng mỡ máu”, Trang nói.

Theo cô, phụ nữ mang bầu không nên ăn quá nhiều hay ăn uống vô tội vạ dẫn đến thừa chất, tăng cân. Số cân của mẹ không tỷ lệ thuận với sự phát triển của con. Cô nhắc nhở bản thân “là phụ nữ phải xinh” để cố gắng. Thỉnh thoảng, cô đi kiểm tra sức khỏe thai kỳ và xin tư vấn chế độ ăn uống phù hợp để bổ sung dưỡng chất.





Hiện tại, Trang nặng 63 kg, tăng khoảng 8 kg so với trước khi mang thai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện tại, Trang nặng 63 kg, tăng khoảng 8 kg so với trước khi mang thai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Trang, chị em phụ nữ nên duy trì tập luyện mỗi ngày, không nên để khi mang thai mới tập hoặc đang tập thì dừng vì mang thai. Khi tập, cần lắng nghe cơ thể và duy trì lâu dài để có sức khỏe tốt và đảm bảo an toàn.

Hiện, nữ huấn luyện viên gấp rút hoàn thiện dự án quay video “Chuỗi 7 ngày tập luyện cho mẹ bầu” trước ngày dự sinh, cung cấp giáo trình tập luyện cho cả mẹ bầu không có kinh nghiệm. Cô hy vọng kiến thức của bản thân giúp cho nhiều phụ nữ mang thai khỏe mạnh.

“Sẽ có lúc bạn thấy nản, hay cơn ốm nghén hành hạ khiến bạn muốn bỏ tập. Đó là điều bình thường mà ai cũng gặp phải”, Trang nói. “Lúc đó, hãy nghĩ đến lời khen như bầu mà vẫn xinh hay bí quyết ăn cho con mà mẹ vẫn gọn làm động lực để kiên trì nhé”.

Bài tập lưng cho mẹ bầu

Huấn luyện viên Thu Trang hướng dẫn bài tập lưng cho mẹ bầu. Video: Nhân vật cung cấp

Thùy An

Trả lời