Mẹo cải thiện khó thở tại nhà Leave a comment

Thở mím môi, thay đổi lối sống, thực hiện các bài hồi phục chức năng phổi giúp cải thiện hơi thở, bảo vệ hệ hô hấp.

Khó thở là tình trạng không khí khó đi vào phổi. Một số người có thể cảm thấy khó thở đột ngột trong thời gian ngắn. Tuy nhiên có nhiều trường hợp gặp tình trạng này trong thời gian dài, vài tuần hoặc hơn. Bạn có thể thấy mình hụt hơi nếu viêm phổi; mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD); ung thư phổi hoặc Covid-19; tập thể dục cường độ cao; trải qua sự thay đổi nhiệt độ, ví dụ đi từ phòng ấm ra ngoài trời lạnh; lo lắng hoảng sợ hoặc căng thẳng; ở trong khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao; đang ở độ cao; béo phì…

Nếu các vấn đề về hô hấp kéo dài, chúng có thể dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp, đe dọa tính mạng. Nếu gặp tình trạng khó thở, bạn có thể thử một số loại phương pháp điều trị tại nhà như thay đổi tư thế, giúp thư giãn cơ thể, đường hô hấp, theo Healthline.

Thở mím môi

Đây là một cách đơn giản để kiểm soát tình trạng khó thở do lo lắng, COPD. Bài tập giúp nhanh chóng làm chậm nhịp thở, giúp mỗi hơi thở sâu hơn và hiệu quả. Bài tập cũng giúp giải phóng không khí bị mắc kẹt trong phổi, có thể thực hiện bất cứ nơi nào khi cảm thấy khó thở ví dụ trong lúc khó khăn khi thực hiện hoạt động như cúi người, nâng đồ vật hoặc leo cầu thang.

Để thực hiện thở mím môi, người tập thư giãn cơ cổ, vai, từ từ hít vào bằng mũi trong hai lần đếm, giữ miệng đóng lại, mím môi như thể bạn sắp huýt sáo. Sau đó, thở ra từ từ, nhẹ nhàng qua đôi môi mím.





Các bài tập hít thở sâu giúp cải thiện chứng khó thở. Ảnh: Freepik

Các bài tập hít thở sâu giúp cải thiện chứng khó thở. Ảnh: Freepik

Ngồi về phía trước

Nghỉ ngơi trong khi ngồi có thể thư giãn cơ thể và giúp thở dễ dàng hơn. Bạn ngồi trên ghế, đặt hai bàn chân xuống sàn, hơi nghiêng ngực về phía trước. Sau đó nhẹ nhàng chống khuỷu tay lên đầu gối hoặc dùng tay chống cằm. Nhớ giữ cho cơ cổ, vai thư giãn.

Tư thế này là một dạng “tư thế kiềng ba chân”, nhằm mục đích tạo thêm không gian trong khoang ngực cho phổi. Bài tập hữu ích nếu bạn bị COPD, giúp giảm căng thẳng. Bài tập không thích hợp cho những người béo phì.

Ngủ ở tư thế thoải mái

Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ cảm thấy khó thở trong khi ngủ. Điều này có thể dẫn đến thức giấc thường xuyên, làm giảm chất lượng và thời lượng giấc ngủ.

Thử nằm nghiêng với một chiếc gối giữa hai chân và kê cao đầu bằng gối, giữ lưng thẳng; hoặc nằm ngửa, kê cao đầu, gập đầu gối, kê một chiếc gối dưới đầu gối. Cả hai tư thế này đều giúp cơ thể và đường hô hấp được thư giãn, giúp thở dễ dàng hơn.

Thở bằng cơ hoành

Thở bằng cơ hoành cũng có thể giúp kiểm soát tình trạng khó thở. Để thử kiểu thở này, bạn ngồi trên ghế với đầu gối uốn cong và thư giãn vai, đầu và cổ, đặt tay lên bụng. Bạn hít vào từ từ bằng mũi. Bạn sẽ cảm thấy bụng đang di chuyển dưới bàn tay của mình. Khi bạn thở ra, siết chặt các cơ. Người bệnh sẽ cảm thấy bụng mình hóp vào trong, thở ra bằng miệng với đôi môi mím chặt. Bạn tập trung thở ra nhiều hơn hít vào, tiếp tục thở ra lâu hơn bình thường trước khi từ từ hít vào trở lại, lặp lại trong khoảng 5 phút.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng việc kết hợp thở này đã giúp mở rộng thể tích lồng ngực ở một nhóm người bị COPD.

Thay đổi lối sống

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra khó thở, một số lý do nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Nếu biết lý do tại sao bạn khó thở và các triệu chứng nhẹ thì có thể thực hiện các bài tập để giảm bớt nó tại nhà.

Những thay đổi về lối sống có thể thực hiện để giúp hạn chế tình trạng khó thở bao gồm: bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc; tránh tiếp xúc với chất ô nhiễm, chất gây dị ứng, chất độc từ môi trường; quản lý trọng lượng cơ thể; tránh gắng sức ở độ cao lớn; giữ gìn sức khỏe thông qua các lựa chọn chế độ ăn uống, tập thể dục, ngủ đủ giấc; chủng ngừa để ngăn ngừa bệnh cúm, Covid-19 và các bệnh khác.

Các phương pháp điều trị khác

Nếu việc khó thở kéo dài, không cải thiện, bạn cần đi khám và bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, có thể bao gồm:

Thuốc trị khó thở: Thuốc hít giúp mở đường thở, thuốc để điều trị các tình trạng cụ thể, thuốc hoặc chất lỏng để giúp giảm đờm, làm sạch phổi, thuốc để kiểm soát dị ứng, điều trị bệnh tim.

Phục hồi chức năng phổi: Chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn cách kiểm soát chứng khó thở. Họ cũng có thể tư vấn về các lựa chọn lối sống như tăng cường mức độ thể chất và bỏ hút thuốc. Phục hồi chức năng phổi có thể giúp kiểm soát hơi thở, có thể cải thiện sức khỏe tổng thể, chất lượng cuộc sống.

Lê Nguyễn

Trả lời

1.4018