Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và suy thận Leave a comment

Tăng huyết áp là nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn, đồng thời, suy thận mạn tác động ngược lại gây tăng huyết áp, tạo thành vòng tuần hoàn khép kín.

Huyết áp là áp lực của quá trình bơm và lưu thông máu tác động lên thành mạch máu. Huyết áp có thể tăng và giảm trong suốt cả ngày nhưng nếu huyết áp ở mức cao trong thời gian dài sẽ tổn thương tim và gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Cao huyết áp là khi huyết áp cao hơn 140/90 mmHg.

Thận là cơ quan chịu trách nhiệm lọc máu và đào thải các chất cặn bã ra ngoài thông qua nước tiểu; điều hòa thể tích máu, hòa tan các chất trong máu, kiểm soát nồng độ pH của các dịch ngoại bào. Khi chức năng thận suy giảm, các độc tố không được đào thải hoàn toàn, gây ứ đọng trong cơ thể, dẫn đến viêm đường tiết niệu, suy thận cấp và mạn tính.





Huyết áp và thận có mối quan hệ mật thiết. Ảnh: Shutterstock

Huyết áp và thận có mối quan hệ mật thiết. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ CKII Đinh Cẩm Tú – Khoa Thận nhân tạo, Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khi huyết áp cao sẽ gây co thắt và thu hẹp các mạch máu trong cơ thể, kể cả ở thận, dẫn đến giảm lưu lượng máu và làm cho thận không hoạt động tốt. Lúc này, thận không thể loại bỏ hoàn toàn các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Khi lượng chất lỏng dư thừa gia tăng trong mạch máu sẽ làm tăng huyết áp. Quá trình này tạo thành một vòng tuần hoàn, không ngừng gây tổn thương và dẫn đến suy thận mạn tính. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), huyết áp cao là nguyên nhân thứ hai gây suy thận ở Mỹ sau bệnh tiểu đường.

Trong đa số các trường hợp, bệnh thận ở giai đoạn đầu và huyết áp cao đều không có triệu chứng rõ rệt. Khi bệnh thận phát triển nặng, thận không thể loại bỏ chất lỏng và muối được nữa, sẽ xuất hiện tình trạng phù nề. Phù thường xảy ra ở chân, bàn chân, mắt cá chân, ít gặp ở tay hoặc mặt. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, khó thở, khó tập trung, tăng hoặc giảm đi tiểu, ngứa hoặc tê toàn thân, da khô hoặc sạm đen, sụt cân, chuột rút…





Giảm muối là lời khuyên hàng đầu trong kiểm soát huyết áp. Ảnh: Shutterstock

Giảm muối là lời khuyên hàng đầu trong kiểm soát huyết áp. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Cẩm Tú cho biết, quá trình tổn thương thận do tăng huyết áp diễn ra âm thầm trong nhiều năm, thậm chí, khi đã tiến triển sang suy thận thì các dấu hiệu cũng rất mờ nhạt. Vì vậy, để kiểm soát tốt cả hai tình trạng này, ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận do huyết áp cao, người bệnh nên sớm thực hiện lối sống khoa học, bao gồm:

Tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn ít muối là một trong những tiêu chí hàng đầu kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, người bệnh còn cần lưu ý hạn chế các loại thực phẩm nhiều chất béo và protein, tăng cường chất xơ, sữa chua, cá hồi…

Hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý giúp làm giảm huyết áp và nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác. Theo đó, người bệnh nên duy trì tập thể dục thể thao tối thiểu 150 phút mỗi tuần, với các hoạt động như đi bộ, bơi lội, đạp xe… Đối với cân nặng, người bệnh cần kiểm soát chỉ số khối cơ thể BMI ở mức dưới 25. Chỉ số BMI được tính theo công thức: cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (m).

Nên bỏ hút thuốc vì thuốc lá có thể làm hỏng các mạch máu, tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe liên quan đến huyết áp cao.

Quản lý căng thẳng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, trong đó có kiểm soát huyết áp và các bệnh lý liên quan đến thận.

Bác sĩ Cẩm Tú chia sẻ thêm, thuốc giảm huyết áp cũng có thể làm chậm đáng kể sự tiến triển của bệnh thận. Hai loại thuốc hạ huyết áp thường được chỉ định là thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB). Hai loại thuốc này giúp hạ huyết áp, thông qua đó làm chậm sự tiến triển của bệnh thận. Tùy tình hình cụ thể của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc khác.

Phi Hồng

Trả lời