Mối quan hệ giữa đau nửa đầu và bệnh tiểu đường Leave a comment

Chứng đau nửa đầu làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp hai ở phụ nữ khỏe mạnh nhưng những người bệnh lại thường có tình trạng đau nửa đầu.

Có nhiều dạng đau nửa đầu khác nhau về mức độ, nguyên nhân, vị trí và các triệu chứng kèm theo. Tất cả các loại đau nửa đầu đều là dạng đau đầu có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đầu, phía trước hoặc phía sau hoặc cả hai bên mắt. Một số chứng đau nửa đầu có liên quan đến việc nhạy cảm với ánh sáng hoặc buồn nôn. Chứng đau nửa đầu còn có thể liên quan đến huyết áp và cholesterol cao.

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Sức khỏe Dân số Pháp đã điều tra mối liên quan của bệnh tiểu đường và chứng đau nửa đầu của hơn 74.240 phụ nữ Pháp trong 10 năm. Kết quả công bố năm 2019 cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn khoảng 30% ở những phụ nữ trải qua chứng đau nửa đầu so với người không gặp tình trạng này. Họ phát hiện ra rằng chứng đau nửa đầu giảm tần suất hoạt động trước khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những phụ nữ từng trải qua chứng đau nửa đầu có nhiều khả năng có lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết). Đây là nguyên nhân gây ra đau nửa đầu.

Theo một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Bệnh tiểu đường và Rối loạn chuyển hóa (Iran) năm 2016, người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai bị hạ đường huyết có sự gia tăng tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu. Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai càng lâu thì càng có nhiều khả năng bị chứng đau nửa đầu.





Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai bị hạ đường huyết có sự gia tăng tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu. Ảnh: Verywellhealth.com.

Người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai bị hạ đường huyết có thể gặp chứng đau nửa đầu. Ảnh: Verywellhealth

Hạ và tăng đường huyết với chứng đau nửa đầu

Theo một nghiên cứu đăng trên tờ Health Essentials News (Mỹ), những người bị bệnh tiểu đường có thể bị đau đầu do lượng đường trong máu thấp hoặc cao. Những loại đau đầu này được gọi là đau đầu thứ phát, có nghĩa là chúng được gây ra bởi một bệnh lý có từ trước, trong trường hợp này là bệnh tiểu đường.

Chứng đau nửa đầu nguyên phát thường không liên quan đến một bệnh lý khác. Thay vào đó, chúng thường liên quan đến các tác nhân như thức ăn, ánh sáng, hormone và căng thẳng. Một số tài liệu cho rằng, hạ đường huyết ở bệnh tiểu đường có thể làm tăng tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, các cơn đau đầu liên quan đến bệnh tiểu đường không nhất thiết phải là chứng đau nửa đầu.

Theo Tổ chức Đau đầu Quốc gia (Mỹ), cơn đau đầu do hạ đường huyết thường có cảm giác đau nhói âm ỉ ở thái dương. Nó cũng có thể đi kèm với các triệu chứng hạ đường huyết khác như: run rẩy, lú lẫn, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim và mệt mỏi. Lượng đường trong máu thấp (thường dưới 70 mg/dL) nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hôn mê và thậm chí tử vong.

Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) có thể gây đau đầu do thay đổi hormone (có thể gây co mạch máu trong não) hoặc mất nước. Khi lượng đường trong máu quá cao, cơ thể sẽ cố gắng bù đắp bằng cách thải lượng đường thừa ra ngoài qua nước tiểu. Đi tiểu nhiều có thể khiến cơ thể bị mất nước dẫn đến đau đầu. Tình trạng tăng đường huyết càng nghiêm trọng càng làn bạn dễ bị đau đầu.

Mai Cát
(Theo Verywellhealth)

Trả lời

2.5039