Móng quặp chọc vào thịt búp ngón, gây sưng, viêm đau, cản trở các hoạt động cá nhân,… là tình trạng mà ai cũng mắc phải ít nhất một lần trong đời.
Móng quặp hay còn gọi là móng chọc thịt vô cùng phổ biến, chiếm 20% các vấn đề về móng, thường gặp ở ngón chân cái. Tình trạng này xảy ra khi móng chân phát triển và mọc dài ra, cắm vào thịt, gây viêm và đau. Mặc dù không gây nguy hiểm, móng chọc thịt gây khó khăn cho việc đi lại, đặc biệt là khi người bệnh cần mang giày.
ThS.BS Trương Hoàng Huy, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ, có hai nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, đó là:
Sự phát triển tất yếu của cơ thể: Đối với trẻ em trong độ tuổi dậy thì, kích thước bàn chân thường phát triển rất nhanh, làm cho móng bị chèn ép, cắm vào da thịt. Ở người lớn tuổi, khi mắc hội chứng bàn chân đái tháo đường, móng sẽ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và mọc quặp xuống, chọc vào thịt.
Thói quen sống hàng ngày: Đi giày mũi nhọn hoặc giày chật. Lúc này, kiểu dáng của giày sẽ tạo sức ép, không cho móng chân mọc vượt lên trên bề mặt thịt mà buộc móng chân phải cuốn vào trong, quặp vào thịt. Thói quen cắt sát móng chân, đặc biệt là lấy khóe móng cũng gây ra móng quặp. Hành động này đã vô tình làm móng mất đi phần rìa, các phần mềm xung quanh sẽ nhân cơ hội chèn ép vào chỗ móng bị cắt đi. Sau này, khi móng mọc lại sẽ đâm xuyên qua các mô mềm, chọc vào thịt.
Theo ThS.BS Trương Hoàng Huy, tùy theo các giai đoạn bệnh mà móng chọc thịt sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Ban đầu, móng quặp sẽ xuất hiện với cảm giác đau nhói, sưng nhẹ ở khóe móng của ngón chân cái. Tuy nhiên, dấu hiệu này thường bị người bệnh chủ quan và bỏ qua. Theo thời gian, móng sẽ quặp vào thịt ngày càng sâu, vi khuẩn xâm nhập vào khóe chân bị thương, gây sưng tấy, cơn đau trở nên dữ dội, chảy dịch hoặc mủ và thậm chí là có mùi thối. Khi đó, tình trạng móng chọc thịt đã tiến triển nặng, cần được điều trị y tế.
Ban đầu, khi móng chỉ mới bắt đầu sưng đau nhẹ, việc dùng gạc bông nhỏ nhét ở kẽ móng, vệ sinh sạch sẽ và dùng gel/kem kháng khuẩn là đủ để điều trị tình trạng này. Tuy nhiên, khi bệnh phát triển nặng, đau dữ dội, chảy dịch, xuất hiện mùi thối thì cần can thiệp để điều trị. Dù chỉ là tiểu phẫu, người bệnh cũng cần thực hiện đầy đủ các thủ tục chẩn đoán như thăm khám lâm sàng và chụp X-quang nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh. Sau khi được gây tê tại chỗ, các mô bị hoại tử, dịch mủ, móng và một phần gốc móng sẽ bị loại bỏ.
Đặc biệt, những người mắc hội chứng bàn chân đái tháo đường cần lưu ý tình trạng móng chọc thịt. Khi mắc hội chứng này, bàn chân của người bệnh thường không còn cảm giác, do đó, không phát hiện hoặc phát hiện rất muộn các dấu hiệu sưng đau, nhiễm trùng… khi móng chọc vào thịt. Trong khi ở những người bệnh này, chỉ một vết xước nhỏ cũng có thể dẫn đến biến chứng đoạn chi.
ThS.BS Trương Hoàng Huy cho biết, việc điều trị móng quặp không quá khó khăn, tuy nhiên, sẽ làm gián đoạn sinh hoạt bình thường của người bệnh. Do đó, tốt nhất, người bệnh nên thay đổi thói quen sống như mang giày phù hợp, không cắt móng quá sát, không lấy khóe, cắt móng theo đường phát triển tự nhiên của móng, vệ sinh chân sạch sẽ… để phòng ngừa tình trạng này.
Phi Hồng