Nấc cụt thường xuyên có phải mắc bệnh? Leave a comment

Người bị nấc cụt thường xuyên có thể đang gặp phải tình trạng cấp tính hoặc mạn tính như viêm phổi, trào ngược axit, thậm chí đột quỵ.

Nấc cụt là sự co thắt không tự chủ của cơ hoành – cơ ngăn cách ngực với bụng và đóng vai trò quan trọng trong việc thở. Về cơ bản, nấc cụt là một phản xạ, có thể xuất phát từ một bữa ăn quá no, sử dụng đồ uống có gas, cồn… Nấc cụt thường chỉ gây khó chịu, song nếu xảy ra thường xuyên và trở thành mạn tính là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe khác cần lưu ý.

Bệnh trào ngược axit

Trào ngược axit gây ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày và thực quản. Các dấu hiệu của bệnh trào ngược axit bao gồm chứng ợ nóng, trào ngược axit có vị đắng và buồn nôn. Ngoài ra, nấc cụt không ngớt cũng là triệu chứng của trào ngược axit. Nếu bạn nấc cụt liên tục kèm theo các triệu chứng như ợ nóng, buồn nôn… thì nên đến bác sĩ để kiểm tra tình trạng trào ngược axit.





Nấc cụt nhiều không chỉ gây khó chịu mà có thể là dấu hiệu đang mắc bệnh. Ảnh: Freepik

Nấc cụt nhiều không chỉ gây khó chịu mà có thể là dấu hiệu đang mắc bệnh. Ảnh: Freepik

Căng thẳng

Nấc cụt có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn nên dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân. Căng thẳng cảm là một trong nhiều nguyên nhân gây ra nấc cụt. Nếu bạn nhận thấy nấc cụt đi kèm với mức độ căng thẳng tăng cao thì cân nhắc thực hiện các bài tập để thư giãn như thiền định, yoga, đi bộ…

Viêm phổi

Theo Tổ chức Quốc gia về các rối loạn hiếm gặp, nấc cụt mạn tính có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi. Nấc cụt trong trường hợp này sẽ đi kèm với các triệu chứng khác như đau ngực, ớn lạnh, sốt, ho, khó thở. Bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh chụp X-quang phổi để xác định xem họ có thực sự bị viêm phổi hay không.

Bệnh viêm nhiễm hiếm gặp

Một trong những bệnh viêm nhiễm hiếm gặp gây ra cơn nấc cụt dai dẳng là tình trạng rối loạn quang phổ viêm dây thần kinh (NMOSD) – đôi khi bị nhầm với bệnh đa xơ cứng. Các đợt nôn mửa, giảm thị lực và buồn nôn cũng là các triệu chứng của bệnh viêm dây thần kinh, chủ yếu ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác và tủy sống.

Đột quỵ

Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia (Mỹ) liệt kê nấc cụt cùng với buồn nôn, lú lẫn và suy nhược là một số triệu chứng đột quỵ chỉ xảy ra với phụ nữ. Một cuộc khảo sát toàn quốc được công bố vào năm 2015 bởi Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio (Mỹ) cho thấy, hầu hết phụ nữ không biết rằng nấc cụt có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Trong số 1.000 phụ nữ được hỏi, chỉ 11% nhận thức được rằng ngoài các triệu chứng đột quỵ điển hình, nấc cụt kèm theo đau ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ ở phụ nữ.

Đau tim

Mặc dù đây là triệu chứng rất hiếm gặp của bệnh tim. Tuy nhiên, nếu bị nấc cụt trong vài ngày và không thể dừng lại dù đã dùng nhiều biện pháp, bạn nên nghĩ đến một cơn đau tim sắp xảy ra.

Thay đổi trong chức năng thận

Đối với những người bị bệnh thận mạn tính, thường xuyên bị nấc cụt có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm chức năng thận đang suy giảm hơn nữa. Nấc cụt, cùng với các triệu chứng như đau xương, hơi thở có mùi bất thường và co giật cơ là một vài dấu hiệu của tình trạng suy thận nặng.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, nấc cụt kéo dài (vài ngày hoặc thậm chí vài tuần) có thể xảy ra với những người bị ung thư bao gồm ung thư thực quản, đại tràng, phổi, tuyến tụy, gan, thận, bệnh bạch cầu.

Anh Chi (Theo The Healthy)

Trả lời