Nắng nóng có dẫn đến đột quỵ? Leave a comment

Thời tiết nắng nóng dễ dẫn đến sốc nhiệt hơn là đột quỵ, mặc dù các dấu hiệu của hai tình trạng này khá giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn.

Ông Trần Văn Hùng (64 tuổi, TP HCM) cho biết, gần đây không dám ra ngoài trời vào ban ngày vì lo sợ thời tiết nắng nóng dễ khiến người có tuổi như ông bị đột quỵ bất ngờ. Ông bị tăng huyết áp hơn 10 năm nay, vẫn đang dùng thuốc điều trị. Mặc dù sức khỏe ổn định nhưng ông vẫn thấy rất lo vì hàng ngày phải đưa đón cháu đi học.

Không riêng ông Hùng, cứ mỗi dịp thời tiết nắng nóng, nhiều người lại lo lắng nguy cơ đột quỵ. TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) giải thích, không giống như nhiều người thường nghĩ, thời tiết nắng nóng không phải là “thủ phạm” dẫn đến đột quỵ mà ngược lại thời tiết lạnh mới là yếu tố nguy cơ. Lý do là thời tiết lạnh làm thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Khi đó, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt dễ gây ra xuất huyết não. Khi trời lạnh, người bệnh cũng thường lười uống nước vì không thấy khát nên dễ tăng nguy cơ vón cục máu gây nhồi máu não. Xuất huyết não và nhồi máu não là hai dạng bệnh chính của đột quỵ.

“Trong khi đó, thời tiết nắng nóng là nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt, nhất là với những người thường xuyên hoạt động ngoài trời, hoạt động thể lực mạnh, uống ít nước… Triệu chứng của sốc nhiệt tương tự như dấu hiệu đột quỵ nên nhiều người lầm tưởng nắng nóng gây ra đột quỵ”, bác sĩ Minh Đức nói.

Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt cấp cứu muộn thường là co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong. Sốc nhiệt đặc biệt nguy hiểm với các đối tượng như người già, trẻ em và các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.





Nắng nóng khiến người cao tuổi mệt mỏi, dễ bị sốc nhiệt. Ảnh: Shutterstock

Nắng nóng khiến người cao tuổi mệt mỏi, dễ bị sốc nhiệt. Ảnh: Shutterstock

Cách phòng ngừa sốc nhiệt, đột quỵ

Để hạn chế sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng, theo bác sĩ Minh Đức, mọi người nên chú ý hạn chế hoạt động hay tập thể dục ngoài trời vào những buổi trưa có nắng nóng gay gắt, chỉ ra ngoài vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn khi nhiệt độ đã dễ chịu hơn. Tránh ngồi trong xe ô tô đậu tắt máy, đóng kín cửa, đặc biệt người già, trẻ em dễ bị sốc nhiệt nếu bị bỏ quên trong xe dưới trời nắng gắt… Khi ra ngoài, mọi người nên che chắn kỹ càng bằng áo khoác, mũ rộng vành; che phần gáy vì đây là trung khu điều nhiệt của cơ thể, nếu bị nắng chiếu vào quá lâu trung khu sẽ bị tê liệt, mất khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể. Uống nhiều nước, kể cả khi không thấy khát, nếu được mọi người nên uống các loại nước khoáng sẽ tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Minh Đức chia sẻ thêm, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và dưới bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Những người có các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh tim mạch, béo phì, mỡ máu cao hay tăng huyết áp như trường hợp ông Hùng nói trên thì càng phải cẩn thận vì nguy cơ đột quỵ sẽ cao hơn.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 người bị đột quỵ theo thông tin của Bộ Y tế. Bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, có thể xuất hiện ở cả những người độ tuổi 20, 30. Những người bị tăng huyết áp, cholesterol cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, béo phì… có khả năng đột quỵ cao nếu không kiểm soát bệnh hoặc bỏ các thói quen chưa phù hợp.

Đột quỵ không loại trừ một ai nhưng có thể chủ động phòng ngừa bằng cách tầm soát định kỳ để phát hiện các yếu tố bất thường, hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất. Hiện nay, các bệnh viện đa khoa hay chuyên khoa thần kinh, tim mạch đều có khám tầm soát đột quỵ. Người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, máy móc hiện đại để tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh.





Một bệnh nhân đang chụp cộng hưởng từ (MRI) tầm soát đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một bệnh nhân đang chụp cộng hưởng từ (MRI) tầm soát đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Minh Đức, tùy trường hợp hay nhu cầu sẽ có các gói từ cơ bản đến nâng cao cho người bình thường hay người có nguy cơ hoặc tiền sử đột quỵ. Người bệnh được làm các xét nghiệm đường huyết, công thức máu, bộ mỡ, điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm về gene… Ngoài ra, các công nghệ, máy móc cao cấp và tiên tiến về chẩn đoán hình ảnh như X-quang, MRI, MRA… cũng được áp dụng để tầm soát, phát hiện sớm các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn, từ đó giúp phòng ngừa đột quỵ.

Phi Sanh

Trả lời