Nên thở bằng mũi hay bằng miệng? Leave a comment

Mũi có những bộ phận và chức năng riêng để trao đổi không khí thông qua hít thở, do vậy thở bằng mũi có nhiều lợi ích hơn thở bằng miệng.

Nhiều người vẫn nghĩ, thở và hít đơn thuần là hành động lấy, đẩy không khí ra ngoài. Tuy nhiên, thở bằng mũi và thở bằng miệng có những ưu, nhược điểm khác nhau, chúng phản ảnh nhiều vấn đề sức khỏe đi kèm.

Theo tờ Healthline, cơ thể con người được thiết kế thở bằng mũi từ khi sinh ra. Hít thở bằng mũi mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể hơn là hít thở vào bằng miệng. Như trẻ sơ sinh, khi bú chúng buộc phải hít và thở bằng mũi để miệng thực hiện nhiệm vụ bú no mà không sợ bị nghẹt thở, đó gọi là một có chế sinh tồn.





Thở bằng mũi có nhiều lợi ích hơn thở bằng miệng. Ảnh: Freepik

Thở bằng mũi có nhiều lợi ích hơn thở bằng miệng. Ảnh: Freepik

Mũi được thiết kế để xử lý không khí đi vào khác với miệng, thở ra cũng vậy, mũi có những bộ phận, chức năng riêng để không khí trao đổi dễ dàng giúp con người an toàn, khỏe mạnh. Thở bằng mũi có những lợi ích mà thở bằng miệng không thể làm được, bao gồm:

Kiểm soát nhiệt độ: trừ những lúc bị tắc nghẽn do cảm cúm, lệch vách ngăn hay viêm mũi dị ứng, những ngày bình thường đường mũi làm ấm (và đôi khi làm mát khi cần thiết) không khí đến phổi khi hít vào, trong khi miệng không thể làm được việc này.

Lọc: các lông mao trong đường mũi có nhiệm vụ lọc ra các mảnh vụn, chất độc trong không khí, gửi chúng trực tiếp xuống cổ họng thay vì đưa đến phổi. Hạn chế được các tác nhân vào phổi là cách bảo vệ đường thở hiệu quả. Thở bằng miệng sẽ đưa bất cứ thứ gì trong không khí trực tiếp vào phổi mà không có chọn lọc.

Tạo ẩm: các lỗ thông trong mũi được thiết kế đặc biệt để làm ẩm không khí mà mọi người hít thở. Nhiều người hay gặp phải tình trạng đau họng, khô miệng khi thức dậy, đây là kết quả của việc người đó thở bằng miệng sau một đêm. Hơi thở được hít vào bằng miệng không được làm ẩm hoặc cân bằng độ ẩm của việc thở bằng mũi.

Đánh hơi: hít thở bằng mũi còn sử dụng khứu giác thông qua hệ thống khứu giác chủ yếu hiện diện trong mũi có thể giúp phát hiện ra các chất độc có hại trong không khí và trong thực phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, một người chỉ cần tạm thời thở bằng miệng trong trường hợp tập thể dục phải cần nhiều không khí đến phổi nhanh hơn hoặc khi đường mũi bị tắc do tắc nghẽn, dị ứng hoặc lạnh.

Ngoài những lợi ích của việc thở bằng mũi nhiều bằng chứng chứng minh rằng thở bằng miệng có thể làm khô nướu, mô lót trong miệng dẫn đến bệnh nướu răng hoặc sâu răng.





Yoga giúp luyện thở bằng mũi tốt. Ảnh: Freepik

Yoga giúp luyện thở bằng mũi tốt. Ảnh: Freepik

Theo WebMD, trẻ em thở bằng miệng trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến những thay đổi về thể chất chẳng hạn như khuôn mặt dài, chảy nước mắt, những đốm đen bên dưới mắt, lỗ mũi hẹp, môi khô…

Nếu nhận thấy mũi thường xuyên bị nghẹt do dị ứng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, bạn có thể thực hiện các biện pháp để ngăn chặn thói quen thở bằng miệng càng sớm càng tốt. Các mẹo ngăn ngừa thở bằng miệng có thể bao gồm sử dụng sương muối trong các chuyến bay dài hoặc du lịch trên biển, sử dụng nước muối sinh lý, thuốc xịt mũi khi có các dấu hiệu ban đầu của viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, nằm ngửa khi ngủ, kê cao đầu để mở đường hô hấp, thúc đẩy quá trình thở bằng mũi. Bạn cũng nên giữ nhà cửa sạch sẽ, không có chất gây dị ứng, nếu có điều kiện có thể lắp đặt bộ lọc không khí trong nhà để ngăn chặn sự lây lan của các chất gây dị ứng. Các nghiên cứu đã chứng minh, yoga có lợi cho những người thở bằng miệng do căng thẳng vì nó tập trung vào việc thở sâu bằng mũi. Yoga cũng thúc đẩy thở sâu chậm hơn bằng mũi, tạo thói quen tốt cho người hay thở bằng miệng.

Anh Chi (Theo Healthline, WebMD)

Trả lời