Ngăn ngừa nhiễm trùng xoang, tránh biến chứng Leave a comment

Hạn chế tiếp xúc các tác nhân gây dị ứng, ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, giữ cho mũi thông thoáng… giúp tránh nhiễm trùng các xoang mũi và phòng biến chứng.

Nhiễm trùng xoang thường phát triển sau nhiễm trùng đường hô hấp do virus, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Trong những trường hợp này, nhiễm trùng xoang thường tự khỏi sau khoảng một tuần. Nhưng một số người bị nhiễm trùng xoang do vi khuẩn thứ phát có thể phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Nhiễm trùng xoang cũng có thể trở thành mạn tính, cần điều trị kéo dài. Cả nhiễm trùng xoang cấp tính và mạn tính đều có thể có những biến chứng nghiêm trọng, có khả năng phải điều trị tích cực.

Dưới đây là gợi ý các bước để ngăn ngừa nhiễm trùng xoang phòng tránh biến chứng và điều trị nhiễm trùng xoang.

Tránh các tác nhân gây nhiễm trùng xoang

Nhiễm trùng xoang phát triển sau khi bị tắc nghẽn mũi khiến chất nhầy bị ứ đọng trong khoang mũi và xoang. Chất nhầy này trở thành nơi sinh sản của các vi khuẩn gây nhiễm trùng. Trong khi nhiễm virus thường gây nhiễm trùng xoang, nhiều tác nhân khác có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng xoang hoặc làm tình trạng nhiễm trùng trầm trọng hơn.

Các yếu tố kích hoạt tình trạng này như dị ứng; hen suyễn, bất thường của mũi như polyp mũi, lệch vách ngăn mũi, gãy xương mặt do chấn thương làm hạn chế đường mũi hoặc mô sẹo do phẫu thuật ở vùng mũi.

Hệ thống miễn dịch suy yếu do các bệnh (chẳng hạn như bệnh tiểu đường không được kiểm soát hoặc thuốc điều trị HIV/AIDS) hoặc các phương pháp hóa trị liệu; các bệnh bẩm sinh, chẳng hạn như xơ nang gây tích tụ chất nhầy trong phổi, dẫn đến nhiễm trùng phổi dai dẳng cũng là yếu tố nguy cơ. Trẻ em đi nhà trẻ, ngậm núm vú giả, bú bình trong khi nằm và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng xoang.

Kiểm soát các tác nhân này chẳng hạn như điều trị bệnh, giảm tiếp xúc với các chất gây dị ứng như mạt bụi, lông động vật, nấm mốc và gián có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng xoang.





Chất dịch từ xoang bị nhiễm trùng và chảy vào mũi gây khó chịu. Ảnh: Freepik

Chất dịch từ xoang bị nhiễm trùng và chảy vào mũi gây khó chịu. Ảnh: Freepik

Ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp do virus

Phòng tránh cảm lạnh thông thường và cúm cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng xoang. Ngoài việc tránh tiếp xúc với người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, bạn cũng có thể:

– Thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi xử lý thực phẩm (chế biến hoặc ăn uống) và sau khi đi vệ sinh, lau mũi, tiếp xúc với người bị cảm lạnh hoặc cúm.

– Tránh chạm vào bề mặt vì có thể làm lây lan virus.

– Khử trùng các bề mặt thường sử dụng, chẳng hạn như tay nắm cửa, bàn phím máy tính, điện thoại di động và mặt bàn bếp.

– Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tập thể dục và giảm căng thẳng.

– Tiêm phòng cúm hàng năm.

– Nếu bị nhiễm virus, bạn có thể giúp ngăn ngừa lây lan cho người khác bằng cách che mũi, miệng khi hắt hơi hoặc ho và ở nhà không làm việc hoặc đi học cho đến khi cảm thấy khỏe.

Ngăn ngừa nhiễm trùng xoang

Ngoài việc kiểm soát các tác nhân kích thích và giảm nhiễm trùng đường hô hấp, bạn có thể ngăn ngừa nhiễm trùng xoang bằng cách giữ cho đường mũi thông thoáng. Một số gợi ý bao gồm:

– Tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc và các chất ô nhiễm trong không khí khác, có thể gây kích ứng xoang.

– Uống đủ nước để giữ cho chất nhầy loãng và lỏng.

– Tránh môi trường khô, sử dụng máy tạo độ ẩm sạch để làm ẩm không khí và mũi không bị khô.

– Thường xuyên sử dụng bình xịt mũi, dung dịch nước muối hoặc các kỹ thuật rửa mũi khác để làm sạch chất nhầy tích tụ và làm ẩm màng nhầy của đường mũi, xoang.

– Hỉ mũi nhẹ nhàng, từng lỗ mũi một, tránh làm kích thích đường mũi và đưa virus, vi khuẩn vào xoang.

– Chỉ sử dụng thuốc kháng histamine khi cần thiết và theo chỉ dẫn (thuốc kháng histamine có thể làm đặc chất nhầy, khiến chất nhầy khó thoát hơn).

– Dùng thuốc thông mũi nếu bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp trên nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Sử dụng thuốc thông mũi lâu dài có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghẹt mũi.

– Uống thuốc để giảm các triệu chứng nhiễm trùng xoang.

– Nếu bị nhiễm trùng xoang, bạn có thể sẽ gặp phải nhiều triệu chứng, chẳng hạn như nghẹt mũi và chảy nước mũi từ xanh sang vàng; đau xoang, áp lực hoặc đầy ở mặt, bao gồm cả tai, răng; nhức đầu, sốt; sổ mũi, ho, đau họng, mệt mỏi, hôi miệng.

– Nếu bị đau họng, bạn cũng có thể uống đồ uống ấm, súc miệng bằng nước muối. Nếu bị ho, bạn có thể sử dụng viên ngậm không chuyên dụng hoặc uống đồ uống ấm với mật ong.

– Ngoài ra, một miếng gạc ấm, uống thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm đau, giảm áp lực xoang. Bạn cũng nên tránh nhiệt độ quá cao và thay đổi nhiệt độ đột ngột như cúi đầu về phía trước vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau và áp lực xoang. Nghỉ ngơi nhiều tạo điều kiện cho cơ thể có thời gian hồi phục.

Các biến chứng của nhiễm trùng xoang

Nhiễm trùng xoang do virus thường khỏi sau 7-10 ngày. Biến chứng có thể xảy ra là nhiễm trùng xoang do vi khuẩn thứ phát. Các dấu hiệu của nhiễm trùng xoang do vi khuẩn với triệu chứng nhiễm trùng xoang kéo dài hơn 10 ngày.

Giảm khứu giác là một triệu chứng phổ biến khác của nhiễm trùng xoang nhưng triệu chứng này cũng có thể là một biến chứng. Viêm dây thần kinh khứu giác mạn tính có thể làm tổn thương dây thần kinh, ảnh hưởng đến khứu giác về lâu dài.

Sự tắc nghẽn xoang dẫn đến bong niêm mạc xoang hoặc các khối u nang nhỏ. Những khối này có thể bị nhiễm trùng. Trong một số trường hợp rất hiếm, nhiễm trùng xoang có thể lây lan sang các cơ quan khác. Các mô mắt có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm mô tế bào hoặc mủ có thể tích tụ phía sau hốc mắt (áp xe dưới sụn hoặc ổ mắt). Nhiễm trùng xoang có thể dẫn đến nhiễm trùng và đông máu các mạch máu lân cận, một tình trạng được gọi là huyết khối xoang hang.

Nếu nhiễm trùng lan qua hộp sọ có thể ảnh hưởng đến não, gây viêm màng não hoặc áp xe não. Đôi khi cũng xảy ra nhiễm trùng xương bên dưới (viêm tủy xương). Da bên dưới bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm mô tế bào hoặc áp xe da.

Một số biến chứng này có thể nguy hiểm và cần được điều trị ở bệnh viện như dùng thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc phẫu thuật.

Kim Uyên
(Theo Healthline)

Để lại một bình luận