Nghe kém, ù tai hậu Covid-19 Leave a comment

Nghe kém, ù tai có thể do cục máu đông gây tắc các mạch máu nhỏ trong tai, tổn thương cấu trúc tai trong, viêm tai hay bệnh lý khác.

Tôi là nhân viên của một phòng gym tại TP HCM. Công việc của tôi là cung cấp thông tin về các chương trình tập luyện cho khách hàng, do đó, nhu cầu trao đổi qua lại rất nhiều. Tuy nhiên, dạo gần đây tôi cảm thấy khả năng nghe của mình có vẻ kém đi, lâu lâu cũng xuất hiện hiện tượng ù tai rất khó chịu. Điều này khiến công việc của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều do đôi khi phải hỏi lại khách hàng 2-3 lần. Tôi mắc Covid-19 cách đây hai tháng. Trước đó, tôi không có vấn đề gì về tai cả. Mong bác sĩ tư vấn làm sao cải thiện tình trạng nghe kém, ù tai. (Nguyễn Ngọc Minh, TP HCM)

Trả lời:

Hiện tượng ù tai diễn ra khá phổ biến ở trong cuộc sống và là tình trạng mà mỗi người đều có khả năng mắc phải. Nguyên nhân hàng đầu và dễ nhận thấy nhất là do chúng ta tiếp xúc lâu với tiếng ồn lớn từ môi trường bên ngoài như xe cộ di chuyển đông đúc, các thiết bị âm thanh có công suất cao… Ù tai cũng là một phần lý do khiến khả năng nghe kém đi. Do đó trước hết, bạn cần lưu ý về môi trường làm việc, sinh hoạt của mình có đang phải tiếp xúc với âm thanh lớn mỗi ngày hay không. Nếu có thì bạn cần hạn chế lại bằng cách sắp xếp thời gian làm việc hoặc trang bị nút tai bảo vệ, tai nghe chống ồn để tránh phải nghe âm thanh lớn thường xuyên.





Nghe kém, ù tai là một trong những triệu chứng hậu Covid-19 cần khắc phục sớm. Ảnh: Shutterstock

Nghe kém, ù tai là một trong những triệu chứng hậu Covid-19 cần khắc phục sớm. Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, bạn bị nghe kém, ù tai cũng không loại trừ khả năng do đã từng bị Covid-19. Có nhiều báo cáo về các vấn đề liên quan đến thính giác hậu Covid-19, trong đó nghe kém, ù tai là một trong những vấn đề. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2021 trên tạp chí International Journal of Audiology đã chỉ ra rằng, trong tổng số 60 bệnh nhân mắc Covid-19 tham gia nghiên cứu, có gần 15% bệnh nhân gặp hiện tượng ù tai, nghe kém.

Một nghiên cứu khác được đăng tải trên tạp chí Frontiers in Public Health vào năm 2020 ghi nhận, trong số 237 người ù tai đã trải qua Covid-19 (trong tổng số 3.100 người bị ù tai tham gia khảo sát) thì có đến 40% những người này cho rằng chứng ù tai của họ trầm trọng hơn đáng kể.

Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chúng tôi cũng đã có tiếp nhận các bệnh nhân đến thăm khám và chữa trị tình trạng nghe kém, ù tai hậu Covid-19. Điểm chung của những người bệnh này là không có vấn đề gì về tai trước đó và có biểu hiện nghe kém, ù tai sau khi âm tính với Covid-19 từ vài ngày cho đến vài tuần.





Người bệnh được kiểm tra tình trạng nghe kém, ù tai bằng hệ thống nội soi ống mềm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người bệnh được kiểm tra tình trạng nghe kém, ù tai bằng hệ thống nội soi ống mềm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hiện tượng này là do khi nCoV xâm nhập cơ thể, một “cơn bão cytokine” đã được kích hoạt để chống lại sự tấn công của virus. Điều này cũng đã khiến cấu trúc tai trong bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nCoV cũng liên quan đến vấn đề hình thành cục máu đông và gây tắc ở các mạch máu nhỏ trong tai, khiến thính lực giảm sút.

Để cải thiện tình hình nghe kém, ù tai, bạn có thể tập luyện hít thở sâu tại nhà để oxy được trao đổi nhiều hơn; duy trì tập thể dục để đảm bảo sức khỏe; giữ thói quen ngủ đủ giấc và có được giấc ngủ sâu. Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thông qua các bữa ăn của mình và hãy để cơ thể được thư giãn, thoải mái, hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn nhiều.

Tuy nhiên, tình trạng nghe kém cũng có thể do viêm tai, khối u trong tai hay một số bệnh lý như xốp xơ tai, bệnh Ménière, điếc đột ngột… Nếu có triệu chứng nghe kém, ù tai xuất hiện, bạn nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ loại trừ nguy cơ của các bệnh lý hay bất thường ở tai, kiểm tra mức độ nghe kém, ù tai và có hướng điều trị phù hợp cho bạn.

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Trả lời