Nằm liên tục quá 4-5 tiếng, làm việc liên tục quá 6 tiếng trong phòng điều hòa, không vệ sinh màng lọc… có thể gây bệnh cảm lạnh, viêm họng, khô da…
Trong thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điều hòa tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo bác sĩ nội trú Đàm Thị Thanh Tâm (khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), việc ngồi trong phòng điều hòa quá lâu hoặc điều chỉnh nhiệt độ quá thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng thở, gây một số bệnh hô hấp như cảm lạnh, viêm họng hoặc các bệnh về da như khô da, dị ứng…
Điều hòa không tạo ra không khí, chức năng chính của chúng là thay đổi nhiệt độ dòng khí. Khi bật điều hòa, người dùng thường đóng kín cửa, sau vài giờ lượng oxy sẽ giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và đường hô hấp nói riêng. “Những người sử dụng điều hòa kéo dài có sự suy giảm lưu lượng khí thở ra tối đa, dễ bị viêm tắc các đường thở nhỏ”, bác sĩ Thanh Tâm nhận định.
Bên cạnh đó, điều hòa không khí không có chức năng khử khuẩn và lọc sạch vi khuẩn, virus. Màng lọc điều hòa còn là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn, virus, nấm mốc… tấn công đường hô hấp. Trong môi trường máy lạnh, khi một người ho, hắt hơi… có thể phát tán các mầm bệnh vào không gian chung. Luồng không khí lạnh của điều hòa tạo điều kiện thuận lợi khiến chúng dễ lây lan. “Đó cũng là một trong những lý do khiến số ca Covid-19 tăng nhanh trong đợt hè 2021, dù có nhiều bằng chứng cho thấy nCoV thường phát triển tốt ở nhiệt độ lạnh hơn”, bác sĩ Thanh Tâm nói.
Ngoài ra, sử dụng điều hòa ở nhiệt độ lạnh và tốc độ gió mạnh cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của phổi. Nhiệt độ quá thấp dễ làm khô bề mặt đường hô hấp, dịch nhầy bảo vệ đường hô hấp bị ảnh hưởng, dẫn đến hệ thống bảo vệ cơ thể dễ bị suy yếu và nhiễm bệnh. Tốc độ gió mạnh cũng có thể phá hủy các tế bào niêm mạc đường hô hấp. Mức độ hư hại này tăng lên khi một số người có thói quen ngồi trực tiếp trước luồng gió hoặc bật thêm quạt điện khi sử dụng điều hòa.
Để tránh các ảnh hưởng xấu của điều hòa đối với sức khỏe, bác sĩ Thanh Tâm hướng dẫn điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp, không nên để quá lạnh dưới 27 độ C. Trong khoảng nửa tiếng đầu khi bật điều hòa, người dùng có thể chọn chế độ làm lạnh nhanh, nhưng khi phòng đủ mát cần nâng mức nhiệt tối thiểu lên khoảng 27-28 độ C. Đây là ngưỡng nhiệt phù hợp với cơ thể và đường hô hấp. Nếu gia đình có trẻ nhỏ dưới một tuổi, phụ huynh cần nâng nhiệt độ tối thiểu lên cao hơn.
Người dùng cũng không nên nằm liên tục quá 4-5 tiếng, hoặc làm việc liên tục quá 6 tiếng trong phòng điều hòa. Bạn có thể sử dụng chức năng hẹn giờ và khi điều hòa ngắt, có thể chuyển sang dùng quạt điện để hạn chế ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe đường thở, đồng thời giúp tiết kiệm điện. Sau khoảng 7-8 tiếng sử dụng, bạn nên tắt máy lạnh, mở cửa để tạo sự thông thoáng. Khi sử dụng, có thể đặt một chậu nước trong phòng để tạo độ ẩm cho da, tránh khô da.
Trước khi ra khỏi phòng lạnh, người dùng nên tắt điều hòa 15-30 phút để cơ thể có thời gian thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, tránh sốc nhiệt. Khi vào nhà, nên đứng ở cửa khoảng vài phút để cảm nhận nhiệt độ của phòng, sau đó tăng hoặc giảm nhiệt độ điều hòa để cơ thể dễ thích nghi.
Mặt khác, các gia đình cần vệ sinh điều hòa 2-3 lần một năm tùy vào công suất sử dụng, nhằm hạn chế sự tích tụ của vi khuẩn, virus, nấm mốc… Điều này cũng giúp kéo dài tuổi thọ của điều hòa.
Châu Vũ